Tháo gỡ khó khăn cho tàu an sinh

Ấn tượng của chị Nguyễn Thị Nguyên khi lên đoàn tàu tuyến Yên Viên - Hạ Long là không khác gì hình ảnh thời bao cấp vài chục năm trước, với hai toa tàu khách cũ kỹ và lèo tèo 20 đến 30 hành khách, hầu hết là các chị tiểu thương buôn thúng bán mẹt. Giữa mùa nóng, hành khách tranh nhau lấy mũ nón, giấy báo quạt phành phạch.

Ấn tượng của chị Nguyễn Thị Nguyên khi lên đoàn tàu tuyến Yên Viên - Hạ Long là không khác gì hình ảnh thời bao cấp vài chục năm trước, với hai toa tàu khách cũ kỹ và lèo tèo 20 đến 30 hành khách, hầu hết là các chị tiểu thương buôn thúng bán mẹt. Giữa mùa nóng, hành khách tranh nhau lấy mũ nón, giấy báo quạt phành phạch.

Ga Hạ Long xây hai tầng khá mới, nhưng phần lớn các phòng lúc nào cũng cửa đóng, then cài, nhà chờ rộng thênh thang nhưng khá cô quạnh, nhân viên bán vé không biết làm gì, chỉ hí hoáy chơi facebook trên điện thoại. Từ tháng 4-2018, ngành đường sắt chỉ duy trì được một đôi tàu khách hỗn hợp vào thứ sáu hằng tuần để “duy trì hoạt động các nhà ga, hệ thống thông tin tín hiệu”,... Tính trung bình một vòng quay của đoàn tàu, bao gồm cả đi và về nếu kín hết chỗ, doanh thu cũng chỉ khoảng 3 đến 4 triệu đồng/đôi tàu, trong khi chi phí để vận hành khoảng 13 triệu đồng, mỗi chuyến ngành đường sắt phải bù lỗ khoảng 90 - 95%. Đây là tuyến chịu mức lỗ lớn nhất trong ba tuyến tàu an sinh, bình quân mỗi năm lỗ khoảng 12 đến 13 tỷ đồng, còn cả ba tuyến mỗi năm lỗ khoảng 30 tỷ đồng. Phương án dừng chạy tàu an sinh vì quá lỗ từng được tính đến. Tuy nhiên, một số tỉnh vẫn tiếp tục kiến nghị cho chạy lại tàu để phục vụ người dân. Do đó, ngành đường sắt đã đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ để bù đắp chi phí cho các đơn vị vận tải đường sắt.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các chuyến tàu an sinh, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về nguyên tắc các tuyến đường sắt Hà Nội đi Đồng Đăng, Quán Triều và Yên Viên - Hạ Long được Nhà nước hỗ trợ khi thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội. Việc Thủ tướng đồng ý cơ chế hỗ trợ từ ngân sách được xem là chiếc “phao cứu sinh” cho ba tuyến tàu an sinh. Thủ tướng cũng yêu cầu việc thực hiện chính sách chạy tàu an sinh phải đúng theo quy định của pháp luật, ngân sách nhà nước, không để xảy ra tình trạng lạm dụng gây thất thoát. Khi có cơ chế hỗ trợ, ngành đường sắt sẽ lập kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội trong năm 2021 đối với ba tuyến nêu trên, theo nguyên tắc bảo đảm số bù lỗ thấp nhất, sẽ chỉ chạy một đôi tàu trên mỗi tuyến, mỗi đoàn tàu tối đa từ bốn đến năm toa xe. Việc tổ chức chạy tàu ngoài ý nghĩa an sinh còn để duy trì tuyến, tránh lãng phí hạ tầng, đồng thời thực hiện nhiệm vụ an ninh - quốc phòng khi cần thiết. Chạy tàu an sinh mang tính trách nhiệm với xã hội nhiều hơn là tính đến lỗ lãi. Nếu dừng chạy tàu an sinh, quyền đi lại của người dân sẽ bị ảnh hưởng, hạ tầng đường sắt không được duy tu, bảo trì thường xuyên sẽ xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí rất lớn. Ngành đường sắt kỳ vọng chính sách hỗ trợ này sẽ bù đắp các chi phí cho đơn vị vận tải đường sắt để có thể duy trì các tuyến.

XÍCH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/thao-go-kho-khan-cho-tau-an-sinh-613700/