Tháo gỡ khó khăn cho ngành mây, tre, lá

Việc trồng, khai thác, chế biến sản phẩm từ mây, tre, lá ở nước ta hiện vẫn chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có, do vậy cần tạo một cú hích để phát triển.

Ngày 22/9, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã tổ chức hội thảo "Bảo tồn và phát triển ngành mây, tre, lá" do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì.

Theo báo cáo của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, hiện nay nguồn nguyên liệu mây tre lá đang bị suy giảm nghiêm trọng và thiếu sự quy hoạch tổng thể.

 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HG.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HG.

Cụ thể, nguồn nguyên liệu họ tre hiện tại phục vụ cho các làng nghề đã trở nên khan hiếm, đặc biệt là một số loài nguyên liệu phục vụ đan lát, làm bàn ghế và tre cuốn như nứa, giang, lùng, tầm vông... Trước đây, các làng nghề đan lát ở Hà Nam và Hà Nội có thể khai thác giang, nứa dễ dàng với chi phí vận chuyển thấp. Nhưng hiện tại nguồn nguyên liệu này ở Hòa Bình gần như đã bị khai thác gần hết. Các làng nghề đan lát đã phải đi khai thác nguyên liệu ở các tỉnh xa hơn như Tuyên Quang, Yên Bái, Thanh Hóa... chi phí vận chuyển cũng cao hơn, giá thành nguyên liệu cao hơn.

Cùng đó, nguồn nguyên liệu mây tự nhiên trở nên khan hiếm từ những năm 2000 trở lại đây do việc khai thác không có sự quản lý. Việt Nam và các quốc gia có nhiều nguyên liệu mây trên thế giới như Indonesia, Lào… cũng cấm xuất khẩu nguyên liệu thô nên các doanh nghiệp Việt Nam chỉ dựa vào nguồn nguyên liệu trong nước.

Theo ông Lê Bá Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, nhiều hộ dân đã chuyển diện tích trồng cói sang nuôi thủy sản hoặc trồng lúa khi giá cói xuống thấp hoặc ngược lại. Sự chuyển đổi này gây lãng phí không nhỏ trong việc đầu tư cải tạo đồng ruộng cũng như chi phí đầu tư khác đối với người dân. Huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) là trung tâm cói của cả nước, trước đây có 3.255 ha trồng cói, thì năm 2018 trên địa bàn chỉ còn khoảng 1.624 ha và tiếp tục giảm trong năm 2019. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm, thứ nhất do sự ép giá của thị trường Trung Quốc và thứ hai là do biến đổi của thời tiết, khí hậu dẫn đến việc chi phí trồng cói cao.

Sản xuất mây tre lá đang từng bước tháo gỡ khó khăn.

Ông Lê Bá Ngọc cho biết, để khắc phục những hạn chế trên cần có quy hoạch và phát triển một số trung tâm nguyên liệu mây tre lớn phục vụ các làng nghề mây tre lá của cả nước. Một số trung tâm có tiềm năng là Thái Bình, Hà Tĩnh (mây vườn), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng (mây nước/mây rừng), Hòa Bình, Thanh Hóa (nứa, giang…).

"Gắn kết các chương trình phát triển nguyên liệu mây tre lá với các chương trình phát triển rừng bền vững và chương trình đa dạng sinh học rừng được các tổ chức quốc tế như EU, JICA, USAID đang quan tâm. Sắp tới có chương trình phát triển rừng bền vững và chương trình đa dạng sinh học rừng của USAID tài trợ, cần đưa các hoạt động phát triển nguyên liệu mây tre và các hoạt động tạo thu nhập từ mây tre vào chương trình này", ông Ngọc chia sẻ.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam ghi nhận những khó khăn, hạn chế của ngành mây, tre, lá Việt Nam đang gặp phải. Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, chúng ta cần có thống kê cập nhật thường xuyên về vùng nguyên liệu, về tình hình sản xuất và kinh doanh của ngành hàng mây, tre, lá mỹ nghệ để phục vụ định hướng và quy hoạch ngành kịp thời. Ổn định và nâng cao tay nghề lực lượng lao động làng nghề. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại một cách hiệu quả...

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cần khẩn trương có phương án xây dựng trung tâm thiết kế, sáng tạo ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Từ đó, tập trung đẩy mạnh việc thiết kế và phát triển các sản phẩm mới, như một yếu tố quyết định để tạo giá trị gia tăng và tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, cần hình thành Hội Mây tre lá Việt Nam với đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp và gắn chặt với Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam...

HƯNG GIANG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thao-go-kho-khan-cho-nganh-may-tre-la-d273652.html