Tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã nông nghiệp làm du lịch

Với bề dày lịch sử và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay Thành phố vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng và còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Phát triển du lịch nông nghiệp còn nhiều tiềm năng

Hà Nội có 18 huyện, thị xã ngoại thành có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch, với hệ thống di sản văn hóa phong phú, làng nghề đặc trưng như: Chùa Hương, Làng cổ Đường Lâm, đền thờ Nguyễn Trãi; gốm sứ Bát Tràng, thêu Quất Động... Với lợi thế đó, phát triển trang trại, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chuyên ngành kết hợp du lịch giáo dục trải nghiệm đã mở ra hướng làm ăn mới, được hộ nông dân tích cực hưởng ứng. Từ đó đã hình thành đội ngũ nông dân năng động, dám nghĩ dám làm, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương và nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Toàn thành phố Hà Nội hiện có 1.581 trang trại. Tổng diện tích đất của các trang trại là 1.899ha, diện tích đất sản xuất trung bình của một trang trại là 1,2ha. Mỗi trang trại tạo việc làm bình quân cho 3-4 lao động trong gia đình và một số lao động thuê thêm. Vốn đầu tư vào sản xuất của một trang trại bình quân là 2,8 tỷ đồng, chủ yếu là vốn tự có. Việc phát triển kinh tế trang trại đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhân dân trong vùng, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo...

Theo thống kê của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 11 trang trại và 4 HTX nông nghiệp chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm. Quy mô vốn, tài sản đối với các trang trại du lịch nông nghiệp khá cao, từ 5 đến 30 tỷ đồng. Qua khảo sát thực tế và quá trình đầu tư sản xuất xây dựng trang trại của các chủ trang trại, HTX nông nghiệp chuyên ngành bước đầu đã khẳng định ưu thế vượt trội của loại mô hình phát triển kinh tế này so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Bên cạnh đó, mô hình này đã sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, tạo bước chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã lựa chọn mô hình sản xuất, kinh doanh đúng hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời bảo đảm về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng... Bình quân doanh thu trang trại du lịch năm 2020 trên địa bàn Hà Nội đạt 2,5 tỷ đồng/trang trại.

Phát triển du lịch nông nghiệp còn nhiều tiềm năng (Ảnh minh họa, nguồn: hanoimoi.com.vn)

Phát triển du lịch nông nghiệp còn nhiều tiềm năng (Ảnh minh họa, nguồn: hanoimoi.com.vn)

Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp ở các trang trại, HTX nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, manh mún, trùng lắp, không có quy hoạch, chưa được kết hợp với các tuyến du lịch nên lượng khách còn ít. Cơ sở hạ tầng lưu trú trong các trang trại, HTX chưa được đầu tư bài bản. Một thực trạng nữa là lao động làm việc trong các trang trại, HTX nông nghiệp chưa được đào tạo, thiếu kiến thức và kỹ năng. Vì thế, các trang trại, HTX nông nghiệp chưa khai thác hết được tài nguyên du lịch bản địa.

Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể cho kinh tế trang trại, HTX kết hợp du lịch trải nghiệm. Phần lớn đất đai của nhiều trang trại còn sử dụng theo hình thức tạm giao, ký hợp đồng thầu với các địa phương. Hiện nay, đất sản xuất nông nghiệp giao cho các hộ sản xuất (50 năm), tuy nhiên thực tế, nhiều hộ dân bỏ hoang không sản xuất, trong khi các chủ trang trại muốn mua, thuê lại nhưng gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng. Ngoài ra, phần lớn các chủ trang trại thiếu vốn để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, việc tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi đối với chủ trang trại, HTX còn nhiều khó khăn do vướng mắc thủ tục, thời gian vay vốn. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về trang trại, HTX gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được hoàn thiện; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước...

Tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã nông nghiệp làm du lịch

Phát triển trang trại, hợp tác xã chuyên ngành, đặc biệt gắn với phát triển du lịch giáo dục, trải nghiệm trên địa bàn thành phố là hướng đi hiệu quả. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để các trang trại, HTX nông nghiệp hoạt động kết hợp du lịch hiệu quả, đúng quy định pháp luật, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế nông thôn, Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích mô hình này phát triển. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất, có chính sách giao đất ổn định lâu dài cho các trang trại, HTX thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước.

Thành phố cũng cần hỗ trợ xây dựng các HTX điển hình về trang trại, hợp tác xã kết hợp với hoạt động du lịch nông nghiệp phù hợp... để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó, tạo thêm nguồn thu từ du lịch. Đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nhất là đối với trang trại, HTX nông nghiệp chuyên ngành.

Tạo điều kiện cho các trang trại, HTX được tiếp cận nhiều nguồn vốn tín dụng, nhất là với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Thủ tục vay vốn đơn giản, hợp lý, có sự ưu tiên, có thể tín chấp bằng công trình đầu tư trên đất bằng phương án kế hoạch sản xuất.

Song song với đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào du lịch. Hỗ trợ kết nối các trang trại, HTX có hoạt động du lịch gắn với các tour, tuyến của các DN lữ hành./.

Ngọc Khánh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/thao-go-kho-khan-cho-hop-tac-xa-nong-nghiep-lam-du-lich-570196.html