Tháo gỡ khó khăn cho hạt điều thô nhập khẩu

Từ cuối năm 2018 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện nhiều lô hàng hạt điều thô nhập khẩu từ các nước châu Phi bị nhiễm mọt cứng đốt (Trogoderma SP). Hiện, cơ quan kiểm dịch thực vật đã và đang tiến hành lấy mẫu, kiểm tra toàn bộ những lô hàng điều thô nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Phi.

Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty TNHH Phúc An (Bình Phước). Ảnh: PHẠM SỸ

Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty TNHH Phúc An (Bình Phước). Ảnh: PHẠM SỸ

Từ cuối năm 2018 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện nhiều lô hàng hạt điều thô nhập khẩu từ các nước châu Phi bị nhiễm mọt cứng đốt (Trogoderma SP). Hiện, cơ quan kiểm dịch thực vật đã và đang tiến hành lấy mẫu, kiểm tra toàn bộ những lô hàng điều thô nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Phi.

Xuất hiện mọt cứng đốt

Trưởng phòng Kiểm dịch Thực vật, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Sơn Hà cho biết, từ năm 2013, cơ quan kiểm dịch thực vật đã phát hiện xác mọt cứng đốt trong một số lô hàng điều thô nhập khẩu. Ðây là sinh vật nguy hiểm, gây hại cho nhiều loại nông sản. Sự phá hoại của loài mọt này khó kiểm soát vì chúng có khả năng sống sót mà không cần thức ăn trong thời gian dài và khả năng kháng lại nhiều loại thuốc. Nếu để phát tán loại mọt này sẽ gây ảnh hưởng cho sản xuất và xuất khẩu của nhiều loại nông sản khác như: gạo, đỗ, ngô, sắn… Lực lượng chức năng luôn lưu ý đối tượng này trong quá trình kiểm tra. Từ cuối năm 2018, cơ quan kiểm dịch phát hiện mọt cứng đốt còn sống trong một số lô hàng hạt điều thô nhập khẩu từ các nước châu Phi. Ðể bảo vệ sản xuất trong nước, ngay sau khi phát hiện đối tượng gây hại, cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp kiểm dịch. Những lô hàng nào đủ tiêu chuẩn, sạch bệnh mới được phép nhập vào Việt Nam.

Từ khi phát hiện đối tượng kiểm dịch, cơ quan chức năng đã yêu cầu tiến hành kiểm tra, lấy mẫu toàn bộ những lô hàng điều thô nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Phi tại cảng, thay vì cho phép doanh nghiệp nhập khẩu đến khai tại cảng, kiểm tra đưa về kho của doanh nghiệp như trước kia. Sự thay đổi về địa điểm, cách thức kiểm tra đang gây ra nhiều xáo trộn cho các doanh nghiệp kinh doanh hạt điều, nhất là trong mùa cao điểm thu mua như hiện nay. Cụ thể, việc áp dụng kiểm dịch thực vật hạt điều tại cảng khiến doanh nghiệp tốn thêm thời gian và chi phí nhận hàng hóa. Ðồng thời phát sinh rất nhiều chi phí để phục vụ kiểm tra hàng hóa trong cảng như: phí vận chuyển trong cảng từ bãi trung tâm qua bãi kiểm tra hàng, tiền lưu công-ten-nơ và lưu bãi. Doanh nghiệp còn phải bố trí nhiều nhân lực giám sát tại cảng, gây ách tắc hàng hóa, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Trước những ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, Cục BVTV cho rằng, đơn vị này đã có quy trình kiểm dịch thực vật rất thông thoáng. Cụ thể, thời gian từ khi lấy mẫu, kiểm tra, trả kết quả không quá 10 giờ. Ðể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã đề xuất phương án cho phép doanh nghiệp đưa hàng về kho nhưng các lô hàng này phải được niêm phong cho đến khi cơ quan chức năng đến kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm, nếu an toàn thì mới được phép đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp lại không đồng ý với phương án này.

Cần có tiếng nói chung

Ngày 8-4, Hiệp hội Ðiều Việt Nam (VINACAS) đã có công văn gửi Cục BVTV và Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II chung quanh vấn đề tháo gỡ vướng mắc trong quy định kiểm tra hạt điều nhập khẩu từ châu Phi. Theo đó, Hiệp hội Ðiều Việt Nam đề nghị Cục BVTV cung cấp danh sách các lô hàng và chứng thư kiểm dịch của các doanh nghiệp nhập khẩu đã phát hiện đối tượng kiểm dịch. Trên cơ sở đó VINACAS sẽ phối hợp cảnh báo tới các doanh nghiệp hội viên để có biện pháp tới các doanh nghiệp đối tác. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Ðiều Việt Nam Phạm Văn Công cho biết, VINACAS vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào về việc mọt cứng đốt xuất hiện trong các lô hàng điều thô nhập khẩu từ phía Cục BVTV. Trong khi những năm qua, theo chứng thư (giấy chứng nhận) kiểm định của các công ty kiểm định hàng hóa, xuất, nhập khẩu, hầu hết các lô hàng điều thô trước khi nhập khẩu về Việt Nam đều được hun trùng rất kỹ và có đầy đủ chứng thư kiểm dịch thực vật, chứng thư kiểm tra chất lượng và hun trùng của cơ quan giám định chất lượng độc lập. Hạt điều thô cũng luôn nằm trong nhóm ít nguy cơ nhất về an toàn kiểm dịch thực vật. Nếu Cục BVTV cung cấp cho Hiệp hội Ðiều Việt Nam cũng như doanh nghiệp biết chính xác lô hàng bị nhiễm mọt cứng đốt thì việc xử lý, phối hợp làm sạch đối tượng này trước khi nhập khẩu về Việt Nam với các đơn vị của nước bạn sẽ dễ dàng thực hiện hơn.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, mỗi năm các doanh nghiệp trong nước cần hàng triệu tấn nguyên liệu phục vụ chế biến. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, hầu hết các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu điều thô từ các nước châu Phi. Ngành điều đang gặp khó khăn, ba tháng đầu năm 2019 mặc dù xuất khẩu hạt điều đạt 78 nghìn tấn, trị giá 625 triệu USD, tăng 4,7% về lượng nhưng giảm 17,2% về trị giá so với ba tháng đầu năm 2018. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều tháng 3 chỉ đạt 7.800 USD/tấn, giảm 6,4% so với tháng 2; so với tháng 3-2018 giảm tới 22,3%. Trong bối cảnh hiện nay, việc kéo dài quy định kiểm dịch sẽ gây trở ngại và tổn thất cho các doanh nghiệp chế biến và nhập khẩu điều thô.

Việc áp dụng biện pháp kiểm dịch trong trường hợp xuất hiện mọt cứng đốt là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để giảm khó khăn cho hạt điều thô nhập khẩu, cơ quan chức năng và các đơn vị có liên quan cần có sự hợp tác, trao đổi thông tin. Nếu cần thiết phải tiến hành tổ chức các hội nghị, hội thảo để cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và Hiệp hội Ðiều Việt Nam có được tiếng nói chung, từ đó đưa ra các phương án giải quyết phù hợp.

Phía Cục BVTV đã gửi thông báo, yêu cầu cơ quan kiểm dịch của nước bạn đáp ứng điều kiện của nước nhập khẩu, nghĩa là phải làm sạch sản phẩm, loại bỏ mọt cứng đốt trước khi xuất hàng. Ðể đạt được những tín hiệu tích cực, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục BVTV Lê Sơn Hà cho rằng, các doanh nghiệp nhập khẩu điều cần phải đoàn kết, đấu tranh với phía đối tác, yêu cầu phía nước bạn phải có biện pháp kiểm dịch các lô hàng trước khi xuất khẩu, nếu không sẽ kiên quyết không mua. Loại mọt này phát triển, bùng phát mạnh theo từng giai đoạn, thời kỳ. Sau từ 3 đến 5 tháng, không phát hiện đối tượng gây hại trong các lô hàng nhập khẩu, ngành chức năng sẽ có những thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Hoàng Anh Thư

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39839902-thao-go-kho-khan-cho-hat-dieu-tho-nhap-khau.html