Tháo gỡ khó khăn cho dự án bất động sản

TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản, trong đó có việc công bố quy trình năm bước thực hiện một dự án, thành lập tổ chuyên gia để thẩm định hồ sơ, kiến nghị với Trung ương tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách…

Quy trình năm bước

Quy trình này được đánh giá là giải pháp mới nhất của thành phố nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp. Theo đó, để thực hiện một dự án bất động sản có đất hỗn hợp, doanh nghiệp phải trải qua năm bước làm thủ tục. Trong đó, bước 1 làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, bước 2 trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; bước 3 làm thủ tục giao thuê đất; bước 4 quy định doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất mới được cấp chủ quyền dự án; bước 5 doanh nghiệp được công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng.

Ngoài thực hiện quy trình năm bước nêu trên, theo Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, còn nhiều vướng mắc về pháp lý mà các dự án đang gặp phải thuộc thẩm quyền của thành phố sẽ được giải quyết. Cụ thể như, vướng mắc khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục pháp lý công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư để triển khai dự án nhưng dự án chưa có tên trong danh mục kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020. Những trường hợp này, tới đây các cơ quan tham mưu sẽ xem xét, đánh giá sự phù hợp của dự án đối với định hướng phát triển nhà ở tại khu vực đã được xác định trong kế hoạch phát triển nhà ở. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ ban hành quyết định chủ trương đầu tư song song với việc cập nhật dự án vào kế hoạch phát triển nhà ở. Ðối với các dự án đã được công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư trước khi UBND thành phố phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 nhưng chưa cập nhật, thành phố giao Sở Xây dựng cập nhật định kỳ hằng tháng các dự án vào kế hoạch.

Một vướng mắc nữa mà các dự án đang gặp phải là việc lấy ý kiến thẩm định liên quan đến nội dung đề xuất thực hiện dự án nhà ở thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố. Theo quy chế phối hợp hiện nay, Sở Kế hoạch và Ðầu tư là cơ quan đầu mối tổ chức lấy ý kiến thẩm định. Tuy nhiên, văn bản góp ý của các cơ quan phối hợp chưa thể hiện rõ việc thống nhất hay không đối với đề xuất của nhà đầu tư. Do đó, để tạo thuận lợi trong việc xem xét, thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhà ở sử dụng quỹ đất hỗn hợp, UBND thành phố đã chấp thuận thành lập tổ chuyên gia gồm đại diện các sở, ngành, UBND quận, huyện. Tổ chuyên gia sẽ cho ý kiến về hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư, làm cơ sở cho Sở Kế hoạch và Ðầu tư tổng hợp, lập báo cáo thẩm định và trình UBND thành phố. Cùng lúc thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, tổ chuyên gia được lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở để tham mưu cho thành phố công nhận chủ đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư bảo đảm các điều kiện để được chấp thuận chủ trương và công nhận chủ đầu tư, tổ chuyên gia sẽ tổ chức một lần họp để cho ý kiến và Sở Xây dựng sẽ trình UBND thành phố cả hai nội dung. Thực hiện được như vậy sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp mong muốn gì?

Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp bất động sản do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều cho rằng, vướng mắc lớn nhất làm chậm quá trình thực hiện một dự án là thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất vì bước này có thể mất hai năm vẫn chưa xong. Như vậy, khi thực hiện quy trình năm bước, thì doanh nghiệp triển khai nhanh nhất cũng phải ba năm cũng mới xong thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, với cách làm chậm chạp của các sở, ngành như hiện nay có thể kéo dài đến bốn, thậm chí 5 năm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hưng Lộc Phát Nguyễn Dư Lực kiến nghị, khi thực hiện đến bước thứ 3 có thể làm cùng một lúc là thẩm định quy hoạch 1/500 thì được nộp hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, có thể làm thủ tục giao thuê đất để xin phép xây dựng. Có những bước làm song song với nhau nhưng vẫn đầy đủ pháp lý, đúng thủ tục. Nếu làm được điều này sẽ giảm được gần hai năm, từ đó giảm chi phí cho doanh nghiệp, kéo theo giảm giá nhà đất cho người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay thành phố có khoảng 15 nghìn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng năm 2019, tăng trưởng lĩnh vực bất động sản chỉ đạt 4,3%, riêng ngành xây dựng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1%, tỷ trọng đóng góp cho GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong chín nhóm ngành dịch vụ. Cũng năm 2019, chỉ có bốn dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với năm trước đó; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án. Ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, giảm 30 dự án. Nguyên nhân thị trường bất động sản gặp khó khăn một là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch, đô thị chưa thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành; nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến việc đùn đẩy, chưa bảo đảm quy trình liên thông, đồng bộ trong việc giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nói về quy trình năm bước thực hiện dự án, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, quy trình bao nhiêu bước không quan trọng bằng việc ấn định thời gian trong bao lâu thì xong. Quan điểm của thành phố là phải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư nhưng cũng phải đúng quy định của pháp luật. Ngoài việc thành lập tổ công tác để hỗ trợ doanh nghiệp, cứ ba tháng một lần, lãnh đạo thành phố sẽ trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Người đứng đầu chính quyền TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nếu việc thực hiện dự án phải kéo dài, chậm triển khai thì thành phố chính là đơn vị thiệt hại nhiều nhất, không chỉ về kinh tế mà còn cả uy tín và môi trường đầu tư.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/43378902-thao-go-kho-khan-cho-du-an-bat-dong-san.html