Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của nhiều doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD, các địa phương trong vùng đã triển khai nhiều giải pháp cùng với doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang bị ảnh hưởng khi nhiều đơn hàng xuất sang các thị trường chủ lực giảm từ 30 đến 40% so với kế hoạch. Không riêng mặt hàng thủy sản, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như may mặc, trái cây cũng đứng trước nguy cơ ngưng hoạt động nếu tình trạng này kéo dài. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (An Giang) cho biết: “Hiện công ty đã xây dựng, quản lý hơn 150ha xoài các loại và được cấp mã để xuất khẩu sang các thị trường lớn. Ngoài ra, công ty cũng đang liên kết với vùng trồng xoài ở 3 xã Cù Lao Giêng, thuộc huyện Chợ Mới với diện tích hơn 500ha để xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP và đang hoàn thiện việc cấp mã cho diện tích xoài này phục vụ xuất khẩu vào các thị trường, như: Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nguyên liệu dồi dào nhưng không thể xuất đi bởi các thị trường nhập khẩu của công ty phần lớn đều bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hàng hóa không xuất đi được nhưng chúng tôi không thể cắt giảm nhân công cũng như các khoản chi phí khác cho hoạt động sản xuất. Tôi mong các cấp, ngành hỗ trợ, trước mắt là hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã và tất cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng để chúng tôi có thể vượt qua thời điểm khó khăn này”.

Lĩnh vực du lịch và dịch vụ cũng đang chịu những tác động rất lớn của dịch Covid-19. Thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Cần Thơ: Hai tháng đầu năm 2020, tổng thu từ du lịch đạt 643 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Tại các cơ sở lưu trú, doanh thu dịch vụ (khách sạn, hồ bơi, cà phê, karaoke…) giảm 30-50% lượng khách; lữ hành doanh thu giảm khoảng 50-60%, dự kiến tháng 3-2020 giảm 70-80%.

Có mặt tại làng du lịch Mỹ Khánh, chúng tôi nhận thấy lượng du khách đến tham quan rất ít. Ông Lê Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Mỹ Khánh cho biết: “Mặc dù xây dựng nhiều dịch vụ mới và nâng chất lượng các dịch vụ cũ, giá cả không tăng nhưng lượng khách sụt giảm rất nhiều. Trung bình chỉ đón 200 khách/ngày, phần lớn là khách địa phương tập trung vào hai ngày cuối tuần. Cùng với những nỗ lực từ doanh nghiệp, chúng tôi mong lãnh đạo thành phố, đặc biệt là Sở VHTT&DL TP Cần Thơ thúc đẩy quảng bá hơn nữa ngành du lịch địa phương đến du khách về hình ảnh Cần Thơ là điểm đến an toàn, nhằm tạo sự yên tâm cho khách đến vui chơi, giải trí”.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề về lĩnh vực du lịch và dịch vụ kèm theo, ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang thông tin, trong thời điểm này, để vượt qua khó khăn, trước mắt sở phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng mẫu đăng ký kích cầu du lịch, gửi đến các doanh nghiệp du lịch: Cơ sở lưu trú, lữ hành, điểm, khu du lịch và các doanh nghiệp có liên quan như vận tải khách du lịch, mua sắm, chăm sóc sức khỏe… Cụ thể, hỗ trợ miễn giảm thuế, chi phí điện, nước, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tùy theo tình hình, điều kiện của đơn vị, đăng ký các gói kích cầu du lịch: Giảm giá dịch vụ, chương trình khuyến mãi, các ưu đãi khác… Ngoài ra, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh và hướng dẫn của Tổng cục Du lịch, xây dựng kịch bản để khôi phục tăng trưởng ngành du lịch sau dịch bệnh: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

Đồng hành với doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong thời điểm dịch bệnh, TP Cần Thơ cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp để có hướng giải quyết. “Hiện tại, TP Cần Thơ tiến hành áp dụng một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ, đối với sân bay quốc tế Cần Thơ sẽ áp dụng chính sách giảm thuế, chi phí dịch vụ; các nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp chế biến sẽ được giảm chi phí điện, nước, kéo dài thời gian trả lãi ngân hàng hoặc giảm lãi suất ngân hàng... Ngoài ra, Sở Công Thương cũng hướng dẫn tận tình và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp khi có nhu cầu. Đối với một số yêu cầu của doanh nghiệp thực hiện giãn nợ và nâng hạn mức tín dụng, áp dụng lãi suất ưu đãi; giảm tiền thuê đất và thực hiện hỗ trợ về đóng BHXH cho người lao động… hiện tại, thành phố đang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành nghiên cứu giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết.

Cùng với Kiên Giang, Cần Thơ, các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre cũng đang rà soát lại tình hình tiêu thụ nông sản, nhất là các mặt hàng phụ thuộc chính vào một số thị trường để nắm rõ sản lượng, từ đó đề ra hướng giải quyết kịp thời nhằm giảm ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Bên cạnh đó, địa phương ưu tiên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn quỹ phát triển của tỉnh để giải quyết thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-vung-dong-bang-song-cuu-long-612307