Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Với mục tiêu đạt mức tăng trưởng GRDP tăng gấp 1,3 lần so với bình quân chung của cả nước, Hà Nội đã, đang tích cực thực hiện 'mục tiêu kép' vừa chống dịch Covid-19, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa.

Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp may trong quý II giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới. Hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn, tiến độ thông quan chậm do tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh ở cả hai đầu xuất và nhập hàng hóa đã làm tăng thêm thời gian và chi phí; giá hàng hóa sụt giảm cũng ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội.

Mặc dù dịch Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên trên thế giới, nhiều quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc giao thương hàng hóa và kim ngạch xuất nhập khẩu. Đến nay, một số nước khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, mở cửa biên giới lại phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại đã ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại.

Từ tháng 5-2020, kinh tế Thủ đô đã có những tín hiệu bắt đầu phục hồi sau dịch Covid-19. Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, với nhiều giải pháp cụ thể, thành phố đã tập trung thực hiện tích cực công tác tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chương trình liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các sản phẩm phụ trợ... Nhờ vậy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý III-2020 ước tăng 3,05%, gấp 1,16 lần mức tăng của cả nước (tăng 2,62% và thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,15%). Tuy thấp hơn quý I (tăng 4,43%) nhưng cao hơn quý II (tăng 2,41%) thể hiện xu hướng tăng trở lại. Lũy kế 9 tháng đầu năm GRDP tăng 3,27%, gấp 1,54 lần mức tăng của cả nước (tăng 2,12%).

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu quý III-2020 trên địa bàn Hà Nội tăng 10,3% so với quý III năm trước (quý III-2019 tăng 36,4%), ước đạt 5.287,6 triệu USD). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội ước đạt 12.141,6 triệu USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2019 tăng 16,3%). Đây là lần đầu tiên từ đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của thành phố tăng trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại

Năm 2020, ngành Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp tăng trên 8,8% so với thực hiện năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 8% so với thực hiện năm 2019.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, mục tiêu trên là thách thức không nhỏ với ngành Công Thương Hà Nội. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tháo gỡ về các thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về thương mại, Sở sẽ tích cực triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình khuyến mại tập trung của thành phố để tăng sức mua, tăng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ và hoạt động sản xuất trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Sở đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, triển khai chương trình hợp tác, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

“Nhằm khai thác hiệu quả thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội tích cực đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn kết thương mại điện tử với các loại hình thương mại truyền thống; tổ chức triển khai có hiệu quả Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2020; hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận sàn giao dịch thương mại điện tử Amazon.com; phối hợp với Google cập nhật kiến thức số, tăng hiệu quả kinh doanh trên môi trường trực tuyến cho các doanh nghiệp”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Về công nghiệp, Sở tiếp tục tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của 19 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập để thu hút các doanh nghiệp thứ phát vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Phấn đấu hết năm 2020 có 10/19 cụm công nghiệp khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật; đến quý II-2021, toàn bộ 19/19 cụm công nghiệp sẽ được khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Cùng với đó là tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của 24 cụm công nghiệp mới có quyết định thành lập từ tháng 6-2020 để thu hút các doanh nghiệp thứ phát vào đầu tư sản xuất kinh doanh; tiếp tục kêu gọi đầu tư thành lập, mở rộng 50 cụm công nghiệp trong danh mục kêu gọi đầu tư tại hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển".

Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Phấn đấu đến hết năm 2020 có khoảng 400 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Quế Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/979879/thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-thuc-day-tang-truong-kinh-te