Tháo gỡ 'điểm nghẽn' để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản

Tình trạng manh mún, thiếu vốn, hạn chế về trình độ quản trị doanh nghiệp và tính liên kết lỏng lẻo vẫn là những yếu tố bất cập, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến nông sản…

Theo bà Lê Thị Bích Thu, chuyên gia của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tốc độ tăng trưởng giá trị ngành công nghiệp chế biến nông sản thời gian qua tăng từ 5-7%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 8-10%/năm và đạt mức kỷ lục hơn 40 tỷ USD trong năm 2018.

Hiện, cả nước có 7.500 cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu cùng hàng vạn cơ sở nhỏ lẻ, quy mô gia đình, hợp tác xã. Hoạt động chế biến nông, thủy sản nói chung đang sử dụng khoảng 1,6 triệu lao động, với thu nhập ổn định. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bảo đảm an sinh, đời sống xã hội.

Dây chuyền sản xuất ngô ngọt xuất khẩu, công suất 4.000 tấn/năm tại Nhà máy của Công ty Vifoco (xã Song Khê, TP. Bắc Giang). Ảnh: Vũ Hữu Sinh.

Dây chuyền sản xuất ngô ngọt xuất khẩu, công suất 4.000 tấn/năm tại Nhà máy của Công ty Vifoco (xã Song Khê, TP. Bắc Giang). Ảnh: Vũ Hữu Sinh.

Tuy nhiên, bà Bích Thu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là tình trạng lạc hậu của trang thiết bị chuyên dùng, vì chủ yếu là thiết bị cũ hoặc chỉ đạt cấp độ trung bình của khu vực. Tỉ lệ và tần suất được nâng cấp về công nghệ cũng chỉ bằng 30-50% so với yêu cầu hoặc so với mức độ của các nước khác.

Trong khi đó, hoạt động chế biến thủy sản tuy có bước tăng trưởng mạnh, có thị trường tiêu thụ rộng lớn nhưng cũng đối diện một số thách thức, bất lợi gồm: Chất lượng không đồng đều, chưa bảo đảm yêu cầu an toàn thực phẩm và tiêu chí vệ sinh theo yêu cầu của nhà nhập khẩu...

Cùng với đó, tình trạng manh mún, thiếu vốn, hạn chế về trình độ quản trị doanh nghiệp và tính liên kết lỏng lẻo vẫn là những yếu tố bất cập, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành này. Nhìn chung, giá trị gia tăng của ngành chế biến còn thấp, chậm được cải thiện. Ngoài ra, Việt Nam còn là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất về biến đổi khí hậu, gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng bền vững nói chung.

Đồng quan điểm, ông Vũ Huy Phúc, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho hay, cần tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm. Tăng cường năng lực nghiên cứu và dự báo thị trường; đẩy mạnh tiếp thị và đa dạng hóa thị trường; phát triển và bảo vệ vùng nguyên liệu; khai thác hợp lý và có hiệu quả; tập trung đầu tư cho thiết bị, dây chuyền sản xuất tại các cơ sở chế biến mới theo hướng hiện đại; tăng cường mối liên kết giữa khai thác và chế biến...

Ngoài ra, các ngành chức năng cần có nghiên cứu sâu, định hướng cụ thể, lâu dài đối với những mặt hàng có thế mạnh như lúa gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, thủy sản. Đồng thời, rà soát, sửa đổi chính sách về thuế giá trị gia tăng; đảm bảo công bằng trong việc đánh thuế VAT giữa hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản về đất đai, công nghệ, thị trường tiêu thụ…

Thanh Minh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/thao-go-cac-%E2%80%98diem-nghen%E2%80%99-de-phat-trien-nganh-cong-nghiep-che-bien-nong-thuy-san-d163836.html