Tháo gỡ bất cập từ thực tiễn

Việc cải tạo, xây mới chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội đem lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội. Thế nhưng quá trình triển khai lại gặp rất nhiều khó khăn, một số quy định cũ không còn phù hợp.

Chính vì vậy, UBND TP Hà Nội đã có kiến nghị với Bộ Xây dựng bổ sung quy định chế tài được cưỡng chế đối với các chủ sở hữu còn lại không đồng thuận; cùng với đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố được chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ theo hình thức xã hội hóa.

TP Hà Nội vẫn còn rất nhiều chung cư cũ. Ảnh: phapluatplus.vn

Theo số liệu thống kê, hiện nay, toàn thành phố tồn tại 1.579 chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960 đến 1992 và tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành, như: Ba Đình: 211; Hoàn Kiếm: 99; Đống Đa: 41 và Hai Bà Trưng là 244. Các khu chung cư đều bị cơi nới, sửa chữa làm mất mỹ quan đô thị và hiện đang xuống cấp; một số căn hộ hư hỏng nặng. Trong đó, UBND thành phố đã xác định được 6 công trình chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ. Ngoài ra có 325 công trình ở mức nguy hiểm, kết cấu bị hư hỏng; 691 công trình tồn tại khuyết tật, giảm khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến khả năng khai thác công trình và chỉ có 110 công trình vẫn đáp ứng được yêu cầu sử dụng.

Hiện nay, UBND thành phố giao cho 19 nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai lập quy hoạch chi tiết và đã có khu tập thể Nguyễn Công Trứ được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; một chung cư cũ được chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc (3 tầng, đường Lê Hồng Phong, quận Hà Đông); 3 khu đang triển khai theo nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt và cơ bản hoàn chỉnh đồ án quy hoạch (Hào Nam, Quỳnh Mai và Nghĩa Tân). Để tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện cải tạo xây dựng chung cư cũ, UBND TP Hà Nội đã gửi Bộ Xây dựng một số kiến nghị như sau: Sửa đổi Khoản 3, Điều 110 Luật Nhà ở hiện hành thành: "Nhà chung cư không thuộc diện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 điều này nhưng được hơn 70% chủ sở hữu thống nhất xây dựng lại nhà chung cư thông qua hội nghị nhà chung cư". Bổ sung quy định chế tài được cưỡng chế đối với các chủ sở hữu còn lại không đồng ý. Cùng với đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND thành phố được chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ theo hình thức xã hội hóa khi các chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được chủ đầu tư theo quy định.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho rằng, kiến nghị của UBND thành phố là hoàn toàn hợp lý. Thứ nhất, theo quy định, tuổi thọ các công trình đều đã hết, nếu không quyết liệt cưỡng chế xử lý sẽ gây nguy hiểm cho xã hội. Thứ hai, bất cứ một vấn đề xã hội nào cũng không thể đòi hỏi 100% sự đồng thuận, nhất là những vấn đề có liên quan đến quyền lợi kinh tế và ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh. Đã đến lúc cần gạt bỏ lợi ích của một số cá nhân để hành động vì tập thể. Thứ ba, phải có kế hoạch, tiến độ cụ thể, rõ ràng để xử lý dứt điểm đối với các chung cư cũ nhằm xóa bỏ tình trạng nhếch nhác, góp phần sớm chỉnh trang bộ mặt đô thị cho xứng tầm vị thế Thủ đô.

Bà Trần Diệu Linh, cư dân sinh sống tại khu tập thể C6, Giảng Võ, quận Ba Đình, chia sẻ: "Quy định phải có sự đồng ý của 100% chủ nhà, chung cư cũ mới được phá dỡ để xây dựng lại hiện không còn phù hợp và trở thành rào cản trong quá trình chỉnh trang đô thị. Chúng ta không thể vì lợi ích của một vài cá nhân mà hy sinh lợi ích tập thể. Tất cả người dân đều muốn có cơ hội được chuyển đến một nơi ở mới khang trang, sạch đẹp và luôn bảo đảm an toàn".

Vấn đề chỉ định thầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu không chọn được nhà đầu tư đủ khả năng thì việc triển khai sẽ rơi vào tình trạng đánh trống bỏ dùi, hoặc nếu có triển khai được thì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân. Ví dụ, triển khai xây mới một số khu tập thể cũ tại phường Giảng Võ do chủ đầu tư không đủ năng lực nên dẫn đến việc tranh chấp tài sản khi kêu gọi góp vốn, hay việc thi công xây dựng đến gần 10 năm chưa triển khai xong khiến cuộc sống người dân không ổn định vì liên tục phải đi thuê nhà.

Đông đảo người dân TP Hà Nội đang kỳ vọng rằng, nếu như những chủ trương, kiến nghị của UBND thành phố được áp dụng, công tác cải tạo xây mới chung cư cũ sẽ có bước tiến đột phá. Người dân sẽ sớm được ở những chung cư mới sạch, đẹp, an toàn, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan, văn minh đô thị.

VĂN THI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thao-go-bat-cap-tu-thuc-tien-553498