Thảo dược khắc phục 'sự cố' khi có thai

Khi mang thai, sức đề kháng của cơ thể thai phụ giảm, sự thay đổi về nội tiết cũng như trọng lượng, kể cả cảm xúc cũng bị ảnh hưởng. Lúc này, hệ miễn dịch đang tập trung bảo vệ thai nhi. Do đó, chị em dễ gặp phải những 'rắc rối' như ốm nghén, mẩn ngứa, bí tiểu, táo bón, mất ngủ, đau bụng, đau lưng... Tuy không nguy hiểm nhưng chúng khiến các bà bầu mệt mỏi, lúng túng. Sau đây là một số bài thuốc Đông y đơn giản và hiệu quả khắc phục những sự cố này.

Ngứa do nhiệt: Là chứng bệnh rất hay gặp ở bà bầu. Thai phụ thấy ngứa từng vùng hoặc toàn thân, ngứa nhiều nên gãi nhiều, nước tiểu vàng, lượng ít, đại tiện táo kết, kèm theo đau đầu, trằn trọc mất ngủ.

Bài 1: ngân hoa 12g, liên kiều 10g, nam hoàng bá 12g, cỏ mực 16g, hạ liên châu 12g, cam thảo đất 16g, bạch thược 10g, chi tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: hoàng cầm 10g, cát căn 12g, sài hồ 12g, đan bì 10g, chi tử 10g, bạch thược 12g, rau má 16g, khổ qua (mướp đắng) 12g, sinh địa 10g, ngân hoa 12g, cam thảo 12g, xa tiền 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bí tiểu: Thai phụ đi tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu vàng. Vì bí tiểu, thai phụ rất khó chịu, ăn ngủ kém, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bài 1: nhân trần 10g, mã đề thảo 16g, đinh lăng 16g, rau má 16g, kim tiền thảo 16g, hoàng kỳ 12g, phòng sâm 12g, đương quy 12g, cam thảo 10g, thăng ma 10g, sài hồ 10g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: bạch mao căn 16g, râu ngô 10g, kim tiền thảo 12g, đinh lăng 16g, đỗ trọng 10g, nhân trần 10g, hoàng kỳ 10g, bạch truật 12g, đan sâm 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Phòng sâm trị chứng ốm nghén mệt mỏi ở phụ nữ mang thai.

Phòng sâm trị chứng ốm nghén mệt mỏi ở phụ nữ mang thai.

Ốm nghén: Là một trong những triệu chứng khó chịu và phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai, thống kê có tới 80% bà bầu mắc chứng này. Nghén thường xảy ra ở tháng thứ 2, thứ 3 của thai kỳ. Thai phụ thấy người mệt mỏi khó chịu, chán ăn, tính tình thay đổi, thèm ăn đồ chua chát, nhiều khi bỏ bữa, sụt cân, nôn hoặc buồn nôn, có người nôn liên tục, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bài 1: phòng sâm 12g, hoàng kỳ 16g, bạch truật 12g, liên kiều 12g, tục đoạn 16g, bán hạ chế 10g, hậu phác 10g, thục địa 12g, trần bì 10g, sinh khương 3g, phục long can 12g, hoàng cầm 10g, cam thảo 10g, đại táo 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: đỗ trọng 10g, ngải diệp 12g, tía tô 16g, bạch truật 12g, tục đoạn 10g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, liên kiều 12g, đại táo 10g, sinh khương 3g, cam thảo 10g, phục long can 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Đau bụng: Hay gặp ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Chị em thấy đau bụng dưới, mỏi thắt lưng, hoặc thai kích ngược lên trên, hoặc thai sa thấp xuống dưới, hoặc âm đạo có thể ra ít dịch màu hồng nhạt hoặc ra vài giọt máu thì gọi là động thai, bào trở... Lúc này chị em cần nghỉ ngơi tuyệt đối.

Bài 1: đỗ trọng 10g, a giao 6g, cỏ mực 16g, phòng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, ngải diệp 12g, cam thảo 10g, sinh khương nướng cháy 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: tía tô 16g, bạch truật 12g, đỗ trọng 12g, a giao 6g, hoàng kỳ 12g, sa sâm 12g, bạch linh 10g, ngải diệp 12g, tục đoạn 10g, cam thảo 10g, sinh khương nướng cháy 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Mất ngủ: Thường gặp ở 3 tháng cuối của thai kỳ và là nỗi ám ảnh của nhiều thai phụ. Mất ngủ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. Dưới đây là một số loại thảo dược chữa mất ngủ hiệu quả và an toàn cho các bà bầu:

Bài 1: cây đinh lăng phơi khô, rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ đun sôi làm nước uống thay trà hàng ngày. Công dụng: giải nhiệt, an thần, giúp ngủ ngon.

Bài 2: hạt sen 100g nấu canh, nấu cháo ăn hằng ngày. Công dụng: bổ dưỡng, an thần giúp ngủ ngon. Hoặc chị em có thể dùng trà tâm sen cũng là một giải pháp hiệu quả và an toàn để có giấc ngủ ngon.

Bài 3: cây xấu hổ phơi khô, cắt thành khúc nhỏ. Mỗi lần lấy 5-20g, rửa sạch, đun sôi với nước, sau đó lọc bỏ bã, chia uống ngày 2 lần.

Bài 4: cây lá vông sao vàng 30g cho vào nồi, đổ 1 lít nước vào đun sôi, lọc bã, chia uống trong ngày.

Chứng ợ nóng hay khó tiêu hóa: Hay gặp ở các tháng cuối của thai kỳ. Sau khi ăn bà bầu hay bị ợ nóng hay khó tiêu. Nguyên nhân là do quá trình thay đổi hormon trong cơ thể. Mặt khác, sự phát triển của bào thai sẽ gây nên sức ép đối với dạ dày và làm tăng lượng axit trong dạ dày. Để khắc phục, hằng ngày nên dùng:

Gừng: Có thể sử dụng gừng tươi trong khi nấu ăn hoặc uống trà gừng mỗi ngày, hoặc ngậm kẹo gừng.

Thìa là: Ăn như một loại rau sống hoặc kết hợp với các loại rau khác trong món salad đơn giản. Công dụng: giúp cải thiện tiêu hóa, giảm trào ngược axit.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng ợ nóng, chị em nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính.

Lương y Đình Thuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thao-duoc-khac-phuc-su-co-khi-co-thai-n182255.html