Tháo điểm nghẽn giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ

Sau nhiều năm chờ đợi, ngày mai, 5-1, Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức khởi công xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay quốc tế Long Thành). Đây là dự án trọng điểm, đặc biệt quan trọng không chỉ đối với tỉnh Đồng Nai và còn vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Thi công đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Thi công đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Sau nhiều năm chờ đợi, ngày mai, 5-1, Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức khởi công xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay quốc tế Long Thành). Đây là dự án trọng điểm, đặc biệt quan trọng không chỉ đối với tỉnh Đồng Nai và còn vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Dự án này cùng với các tuyến đường cao tốc đang triển khai được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết việc kết nối giao thông liên vùng. Một trong những lực cản phát triển đối với vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nơi đã và đang đóng góp kinh tế lớn nhất cho cả nước.

Nằm ví trí lõi của vùng Đông Nam Bộ, hiện, hầu hết các tuyến đường chính vào tỉnh Đồng Nai gần như đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Trong đó, nghiêm trọng nhất phải kể đến tuyến Quốc lộ 51, Quốc lộ 1 và một số tuyến đường vào cửa ngõ TP Biên Hòa, như: Bùi Văn Hòa, Đặng Văn Trơn, Bùi Hữu Nghĩa. Điều này, đang ảnh hưởng trực tiếp người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Giám đốc Công ty TNHH Meggitt Việt Nam, ông Paul Tran cho biết, công ty thuộc Tập đoàn Meggitt của Anh, đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện cho các loại máy bay tại khu công nghiệp Biên Hòa 2 từ năm 1996. Bản thân ông Paul Tran và nhiều chuyên gia đang làm việc ở nhà máy đều sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, hằng ngày di chuyển 30km về nơi làm việc. Với khoảng cách này, nhiều hôm ông và cộng sự phải mất thời gian hơn hai tiếng đồng hồ di chuyển, vì kẹt xe trên xa lộ Hà Nội.

“Giữa TP Hồ Chí Minh và khu công nghiệp Biên Hòa 2, có duy nhất một đường để di chuyển là xa lộ Hà Nội. Thế nhưng, tuyến đường này lại có rất nhiều xe tải, xe container. Nói chung rất đông xe, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, ở mọi giờ trong ngày, chứ không thể nói chỉ một khoảng thời gian nào đó. Điều này không chỉ khiến việc di chuyển mất thời gian nhiều hơn mà chi phí vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp cũng tăng”, ông Paul Tran cho biết.

Công nhân thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Quý thường xuyên di chuyển trên Quốc lộ 51, đoạn giữa TP Biên Hòa và huyện Long Thành cho biết, những năm trước đây, sau khi tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đưa vào hoạt động, tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 51, đoạn qua địa phận TP Biên Hòa giảm. Nguyên nhân, do phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 51, từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không phải qua Đồng Nai để đi TP Hồ Chí Minh nữa. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trên tuyến quốc lộ 51.

“Trước đây, tôi bắt đầu ra khỏi nhà để vào nhà máy lúc 7 giờ sáng thì thời gian gần đây, đi làm sớm hơn một giờ để tránh kẹt xe, nhưng vẫn trễ giờ làm ở công ty. Tôi nghĩ cần nhanh chóng xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hoặc làm đường song hành với Quốc lộ 51. Chứ tình trạng này kéo dài sẽ khiến người dân khốn khổ, doanh nghiệp tăng thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa”, anh Quý kiến nghị.

Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Để phát triển hạ tầng giao thông và kết nối liên vùng, thời gian qua, Chính phủ đã chú trọng đầu tư nhiều dự án giao thông ở vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, phải kể đến Sân bay quốc tế Long Thành sẽ được chính thức khởi công vào ngày mai, 5-1.

Ngoài ra, các dự án đường cao tốc đang triển khai, như: Bến Lức - Long Thành; Dầu Giây - Phan Thiết và các tuyến đang chuẩn bị triển khai là Dầu Giây - Liên Khương; Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 3 kết nối Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh - Bình Dương.

Với các dự án trên, Đồng Nai hiện đang được xem như đại công trường các dự án giao thông trọng điểm của đất nước. Khi hoàn thành, các dự này sẽ góp phần quan trọng giải quyết vấn đề kết nối giao thông liên vùng, vốn đang là lực cản đối với sự phát triển của Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Nút giao đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với Quốc lộ 1A tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Đồng chí Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Kết nối hạ tầng giao thông là một việc rất lớn, vì không có hạ tầng và các tuyến đường kết nối sẽ không phát huy được giá trị kinh tế, xã hội mang lại từ Sân bay quốc tế Long Thành. Bởi lẽ, cứ đi ra một đoạn là kẹt xe, đi vào là ùn tắc giao thông, gây khó khăn cho sự phát triển chung của khu vực và cả vùng khi sân bay vào hoạt động. Do đó, từ nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai đã định hướng để thực hiện song hành với quy hoạch của T.Ư nhằm kết nối liên vùng, cả nước, tạo động lực cho địa phương, vùng phát triển nhanh và bền vững”.

Trả lời phóng viên Nhân Dân điện tử, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định, hạ tầng giao thông là một trong bốn khâu đột phá của nhiệm kỳ. Điều này, thể hiện quyết tâm chính trị của địa phương trong việc khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông kết nối liên vùng. Bản thân địa phương xác định, việc được đầu tư các công trình giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn sẽ là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường trả lời phóng viên Báo Nhân Dân.

“Sân bay quốc tế Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, tổng vốn đầu tư rất lớn. Riêng xây dựng giai đoạn 1 đã gần 110 nghìn tỷ đồng, góp phần tăng GDP rất lớn cho Đồng Nai. Bên cạnh đó, các tuyến cao tốc và tuyến giao thông kết nối chung quanh khu vực sân bay sẽ giúp Đồng Nai cất cánh trong những năm tới. Chúng tôi đưa vào Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11 và khẳng định, cực để tăng trưởng của tỉnh trong 5 năm tới là vùng Long Thành - Nhơn Trạch, trong đó đã tính kết nối và quy hoạch các vùng lân cận ở các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất, khi sân bay xây dựng, đi vào hoạt động”, đồng chí Nguyễn Phú Cường cho biết.

Chỉ riêng dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng, đây là một trong những mục tiêu đầu tư rất quan trọng nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của cả nước nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng. Khi đi vào hoạt động Sân bay quốc tế Long Thành sẽ thúc đẩy du lịch vùng và là cửa ngõ đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách du lịch Việt Nam đi quốc tế.

Đồng thời, sẽ trở thành sân bay trung chuyển quốc tế của khu vực theo xu hướng chung của thế giới. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế nước ra nhanh, bền vững, góp phần tăng cường khả năng bảo đảm an ninh - quốc phòng cho đất nước và nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường hàng không thế giới.

Với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền tỉnh Đồng Nai, cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ về đột phá hạ tầng giao thông và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, vào cuộc trách nhiệm cao của các bộ, ngành T.Ư, tin chắc rằng, các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông của vùng sẽ sớm được tháo gỡ. Qua đó, tạo bệ đỡ quan trọng để vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển nhanh, bền vững, đúng tiềm năng, vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.

THIÊN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/thao-diem-nghen-giao-thong-ket-noi-vung-dong-nam-bo-630594/