Tháo điểm nghẽn cho thị trường bất động sản hồi phục sau dịch Covid-19

Ngày 11/6, tại tọa đàm 'Thị trường bất động sản thế nào sau dịch Covid-19?' do Báo Thanh Niên tổ chức, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường bất động sản.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh T.D

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh T.D

Khó chồng khó

Theo các chuyên gia, từ cuối năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản gần như đóng băng, giao dịch sụt giảm nghiêm trọng do hàng loạt dự án không thể triển khai vì vướng mắc thủ tục hành chính, vướng mắc pháp lý khiến nguồn cung đất nền, căn hộ trở nên khan hiếm, người mua ít sự lựa chọn. Tình trạng này chưa được giải quyết thì sang đầu năm 2020, dịch Covid-19 ập đến khiến giao dịch trên thị trường sụt giảm chưa từng thấy. Thống kê cho thấy, quý 1/2020 nguồn cung mới và lượng tiêu thụ thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay; khoảng 800/1.000 sàn giao dịch trên cả nước đã tạm ngưng hoạt động; hàng loạt môi giới bất động sản mất việc...

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, đến gần hết quý 2/2020 nguồn cung sụt giảm không chỉ do Covid-19 mà xuất phát từ năm 2019 do thể chế chồng chéo pháp luật. Về giá cả, do cung giảm nhưng nhu cầu cũng giảm nên giá không có biến động nhiều. Trong khi đó, giao dịch đang có giảm sút do cầu giảm. Liên quan đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài, ông Ninh cho biết nguồn vốn này sụt giảm do giãn cách giao thương với nước ngoài. Từ những khó khăn trên, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh lại, sàng lọc lại cho phù hợp.

Tuy vậy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận định, thị trường bất động sản hiện nay thực tế về bản chất không hề xấu. Bằng chứng là tổng cầu, trong đó tổng cầu có khả năng thanh toán rất lớn. Tất cả các dự án nhà ở từ cao cấp đến bình dân khi đưa ra thị trường đạt tỷ lệ hấp thụ rất cao, đến 99 - 100% ở phân khúc nhà ở xã hội. Phân khúc nhà ở thương mại giá trị từ 2 tỷ đồng trở xuống đạt tỉ lệ 100% tiêu thụ và nhà ở cao cấp đạt 70 - 80%, có những dự án tiêu thụ tới 100%. Nhà đầu tư thứ cấp thời gian qua cũng được hưởng lợi nhờ khan hiếm sản phẩm.

Theo ông Châu, từ tháng 5, thị trường bất động sản bắt đầu bật dậy. Tỷ lệ dự án đưa ra thị trường tăng lên khoảng gần 6 lần, tỷ lệ tiêu thụ được trong tháng 5 so với tháng 4 tăng lên đến 15 lần. Điều đó cho thấy khả năng phục hồi của thị trường bất động sản là rất cao nếu được tháo gỡ thêm các khó khăn về chính sách. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ từ cấp địa phương, TPHCM có thể phải đối mặt với tình trạng chảy dòng vốn đầu tư về các tỉnh, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách. Doanh nghiệp bất động sản không xin hỗ trợ bằng tiền, chỉ xin tháo gỡ về chính sách.

Tháo gỡ nút thắt

Để tháo gỡ các khó khăn trên, từ đầu năm 2020 đến nay đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra. Điểm nghẽn lớn nhất là đất công xen kẽ trong các dự án và điều này đang được sửa đổi bằng một nghị định.

Ông Nguyễn Trọng Ninh chia sẻ, kinh nghiệm của các nước cho thấy, khi thị trường bất động sản khó khăn thì người thu nhập thấp sẽ là đối tượng cần được quan tâm nhiều nhất, trong đó phân khúc nhà ở xã hội là lĩnh vực được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện đang có nhiều vướng mắc, nhất là quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại hiện nay còn thiếu hay các quy định lựa chọn đầu tư nhà ở xã hội cũng chưa được rõ; ưu đãi đối với nhà đầu tư về lợi nhuận định mức, quản lý nguồn vốn ưu đãi cũng chưa được quy định rõ trách nhiệm.

Chính vì vậy, hiện Bộ Xây dựng, Chính phủ đang sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phân khúc này. Khi nhà ở xã hội phát triển tốt sẽ hỗ trợ thị trường.

Để tháo gỡ cho nhà ở xã hội sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, Bộ Xây dựng đã nhiều lần kiến nghị cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại và hiện đã có gói tín dụng này với khoảng 2.000 tỷ đồng. Từ đây các ngân hàng thương mại sẽ huy động thêm trên dưới 60.000 tỷ đồng. Những dự án nhà ở xã hội đang triển khai mà vướng mắc về vốn sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp hỗ trợ cho vay. Như vậy những năm tới phân khúc nhà ở xã hội sẽ khởi sắc.

Cũng theo ông Ninh, trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp bởi hiện nay đang lệch pha, bất động sản cao cấp nhiều, nhà giá thấp ít. Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá thấp diện tích dưới 75 m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2. Dự kiến trong quý 3/2020 sẽ có dự thảo nghị quyết trình Chính phủ. Nếu nghị quyết này ra đời sẽ giúp thị trường phát triển ổn định, hài hòa.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thao-diem-nghen-cho-thi-truong-bat-dong-san-hoi-phuc-sau-dich-covid-19-128207.html