Tháo điểm nghẽn cho ngành y

Vừa qua, Bệnh viện (BV) Răng Hàm Mặt trung ương Hà Nội thông báo chỉ còn 500 ống thuốc gây tê.

Số thuốc này chỉ đủ sử dụng chưa tới 3 ngày. Nguyên nhân là do giấy phép nhập khẩu thuốc đã hết hạn, nhà cung cấp đã hoàn thiện hồ sơ chờ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế.

Hai tuần trước, chuẩn bị vào mùa dịch sởi nhưng TP HCM, Hà Nội và một số địa phương khác lại hết vắc-xin sởi và DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván) nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Sở y tế các địa phương phải "cầu cứu" Bộ Y tế. Giải thích vụ việc, Bộ Y tế cho rằng năm 2022, Bộ Y tế đã có quyết định giao dự toán kinh phí và phê duyệt kế hoạch đặt hàng vắc-xin cho Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương. Nguyên nhân thiếu vắc-xin DPT, sởi là do chưa hoàn thiện thủ tục đặt hàng, ký hợp đồng.

Tuần trước, BV Bạch Mai (TP Hà Nội) cũng đề nghị Cục Quản lý dược có phương án hỗ trợ khi tại đây đã hết thuốc chuyên khoa dùng cho một số bệnh đặc biệt như suy tuyến thượng thận, ngộ độc kim loại nặng... Nhiều BV khác cũng đang thiếu những loại thuốc đặc trị làm ảnh hưởng công tác khám chữa bệnh.

Vấn đề không còn đơn giản và qua đó cho thấy quy trình cung ứng thuốc cho các BV đang có vấn đề. Quy trình này đã được thực hiện nhiều năm qua nhưng lại xảy ra những điểm nghẽn rất đáng lo. Đó không chỉ là bất cập về thủ tục mà liên quan đến việc cung ứng thuốc cho toàn hệ thống BV trên cả nước nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho toàn dân. Với người bệnh, thiếu thuốc đồng nghĩa mạo hiểm với sức khỏe, thậm chí là tính mạng ngay cả khi đã được đưa đến tay của bác sĩ.

Trải qua 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, kế đến là chấn chỉnh những sai phạm trong ngành y, kiện toàn quy trình đấu thầu vật tư, thuốc…, ngành y tế hiện nay gặp khó khăn chồng chất. Có những khó khăn cấp thời như thiếu thiết bị, vật tư, chậm đấu thầu thuốc… có thể được khắc phục trong thời gian ngắn. Nhưng với những khó khăn đến từ các kế hoạch lớn tác động đến toàn hệ thống thì nan giải vô cùng.

Cách đây chưa lâu, trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, lãnh đạo các BV lớn đưa ra hàng loạt vấn đề đang bó buộc tay chân các bác sĩ, nhất là quy định đấu thầu thuốc, vật tư y tế hiện nay quá "chặt chẽ" nên khó mua được hàng bảo đảm chất lượng để phục vụ bệnh nhân. TS- BS chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy (TP HCM), nêu câu chuyện điển hình: Một bác sĩ ngoại khoa kể rằng trước đây mua dao mổ chỉ cần rạch một lần là được. Nay mua dao giá rẻ phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh.

Theo số liệu của Bộ Y tế, trong 18 tháng qua có gần 10.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc, tập trung ở các địa phương như TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương… Đây là những địa phương tập trung đông dân cư, đóng vai trò quan trọng trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tập trung các BV đầu ngành. Nếu hệ thống y tế quá tải sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường cho cả nước.

Khó khăn của ngành y tế đã được nhận diện. "Cứu người như cứu hỏa", các bộ, ngành liên quan phải cấp tốc khắc phục những bất cập của ngành y hiện nay để kiện toàn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

HỒ PHI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/thao-diem-nghen-cho-nganh-y-2022091922114995.htm