Thảo Cầm Viên và lô đất 'kim cương' vô thừa nhận - Bài 4: Góc nhìn từ chuyên gia và bạn đọc về việc nuôi nhốt thú

Diện tích đất xây dựng bị thu hẹp đồng nghĩa với diện tích chuồng trại, diện tích cho cây xanh, bóng mát trong Thảo Cầm Viên (sở thú) cũng hụt bớt. Chưa có bất cứ chứng minh thuyết phục nào là hoạt động nuôi, nhốt thú trong chuồng trại có đóng góp cho công tác bảo tồn thú quý hiếm hay động vật hoang dã của Việt Nam cũng như trên thế giới.

Sư tử nuôi nhốt tại Thảo Cầm Viên. Một bạn đọc nhận xét “Chúa sơn lâm trông như con mèo ốm”. Ảnh: Nhóm PV Tại TP.HCM

Sư tử nuôi nhốt tại Thảo Cầm Viên. Một bạn đọc nhận xét “Chúa sơn lâm trông như con mèo ốm”. Ảnh: Nhóm PV Tại TP.HCM

Bài 4: Góc nhìn từ chuyên gia và bạn đọc về việc nuôi nhốt thú

Dưới đây là ý kiến từ chuyên môn và độc giả quan tâm đến vấn đề bảo vệ, chăm sóc động vật tại Việt Nam.

Bạn Trần Ái Vy (Sinh viên ĐHKT, thành viên Hội bảo vệ động vật tại TP.HCM): “Chúa sơn lâm trơ xương như mèo ốm”.

Tham quan sở thú ngày lễ 2/9 vừa qua, bạn Trần Ái Vy chia sẻ: “Trong khu nhốt sư tử, trông thấy chúa sơn lâm nằm dài trơ trọi xương và lông mình không biết nơi đây nuôi nhốt thú là để bảo tồn hay để hành xác chúng nữa. Những khu khác thì xơ xác, xuống cấp. Cây xanh bóng mát thì chỗ có chỗ không. Vừa rồi mình còn được biết Thảo Cầm Viên kêu gọi cộng đồng giúp đỡ kinh phí nuôi, chăm sóc thú qua dịch COVID-19. Không bàn đến chuyện kêu gọi ấy, mình chỉ nghĩ về tình trạng một cơ sở không tự chủ kinh phí để chăm thú, bị động trước các nguy cơ tiềm ẩn thì nuôi thú thế nào?”

Bác sĩ thú y Trần Quốc Cường (35 tuổi, Bình Thạnh): Động vật bị nhốt ở môi trường không mong muốn có thể bị stress, căng thẳng và các triệu chứng tâm lý.

Người xưa dùng ánh sáng, lửa, dùng trống chiêng tạo tiếng ồn để xua đuổi thú, còn ngày nay các sở thú nuôi thú lại treo đèn điện, ánh sáng đủ màu. Tiếng nhạc, dàn loa công suất lớn đặt ngay sát chỗ thú ở. Hỏi làm sao một con thú có thể sống bình thường được?

Theo chuyên môn của tôi, động vật khi bị tác động bởi môi trường sống không mong muốn đều sinh một số bệnh tâm lý mà người ngoài không nhìn thấy được, còn người chăm sóc có thể thấy nhưng lại lờ đi, ví dụ như: Khi đến thăm các sở thú, các bạn có thể nhận ra những dấu hiệu căng thẳng hay bệnh tâm lý ở động vật, ví dụ như voi lúc lắc đầu và vẫy hai tai liên tục, gấu đi đi lại lại vòng quanh một chỗ.v.v.

Tạo cảnh vui chơi rực rỡ trong khuôn viên Thảo Cẩm Viên. Ảnh: Nhóm PV tại TP.HCM

Bảo tồn đời sống hoang dã là hoạt động bảo tồn động - thực vật hoang dã và môi trường sống của chúng

Giám đốc điều hành WildAct (Tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam) – Bà Nguyễn Thị Thu Trang nêu quan điểm:

Ở vị thế của người hoạt động bảo tồn động vật hoang dã, tôi cảm thấy không vui với việc thu mua và sưu tập nhiều loại thú khắp nơi, khắp các môi trường sống về nhốt cùng một nơi trong một khoảng thời gian ngắn để phục vụ cho mục đích giải trí có thể coi là hành vi bóc lột động vật. Có những dịch bệnh không cho thấy dấu hiệu ngay, nhưng có thể phát bệnh từ từ, và nếu một khi dịch bệnh đã lan ra thì chúng lây lan rất nhanh.

Ngoài ra, việc để thú có tiếp xúc gần với con người cũng có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Có rất nhiều dịch bệnh mà khoa học đã chứng minh có thể lây lan từ con người cho động vật hoang dã và ngược lại. Ví dụ như dịch bệnh SARS, Ebola, West Nile, AIDS... đều có nguồn gốc lây lan từ động vật sang cho người.

Bên cạnh đó còn có yếu tố động vật trong quá trình vận chuyển, nhất là trên những chặng đường dài thường bị căng thẳng về tâm lý. Chúng cần được nghỉ ngơi yên tĩnh để ổn định lại tâm lý trước khi bị mang ra khai thác cho con người tham quan.

Bảo tồn đời sống hoang dã là hoạt động bảo tồn động - thực vật hoang dã và môi trường sống của chúng. Việc thu mua thật nhiều thú quý hiếm, động vật hoang dã để lập sở thú không thể gọi đó là hoạt động bảo tồn. Những hoạt động nuôi, gây giống, khai thác các loài động vật hoang dã quí hiếm thông qua các hình thức giải trí như: xiếc thú, cưỡi voi, hoặc bán thịt, sừng, da của các loài động vật này thì không được gọi là hoạt động bảo tồn mà đó là hành vi nuôi, khai thác động vật hoang dã với mục đích tạo ra doanh thu từ dịch vụ giải trí.

Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc điều hành WildAct (Tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang. Ảnh: forbesvietnam

Chưa có bất cứ chứng minh thuyết phục nào là hoạt động đó có đóng góp cho công tác bảo tồn động vật hoang dã của Việt Nam cũng như trên thế giới. Cần phải làm rõ mục đích của những sở thú, họ có thực sự làm bảo tồn không? Hay chỉ đơn giản là thu mua các loài động vật hoang dã quí hiếm về nuôi rồi mở cửa cho người dân vào xem, giải trí để làm kinh tế? Đây là câu hỏi cần được làm rõ với các chủ quản sở thú.

Hiện nay, quy chuẩn để thành lập công viên, sở thú... ở từng quốc gia có những qui định khác nhau. Tuy nhiên, chưa có qui chuẩn cụ thể nào về việc thành lập công viên/vườn bảo tồn.

Như đã nói ở trên, việc công viên hay sở thú ấy có thực sự chăm sóc tốt động vật, có bảo tồn hay không cần phải được làm rõ và giám sát chặt chẽ của quan quản lý nhà nước.

Nhóm PV tại TP.HCM

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/24-7/thao-cam-vien-va-lo-dat-kim-cuong-vo-thua-nhan-bai-4-goc-nhin-tu-chuyen-gia-va-ban-doc-ve-viec-nuoi-nhot-thu-180310.html