Tháo bỏ ảo tưởng với cuộc đời

Chúng ta cho phép bản thân mình bị lừa dối và dễ dàng tin vào những câu chuyện mà không nghĩ đến bản chất của nó.

Chúng ta nhìn các hiện tượng bên ngoài bằng những giác quan, cảm xúc lộn xộn bên trong mình. Thế nên hiện thực đối với mỗi người chẳng có cái gọi là khách quan và logic.

Thực tế, chúng ta đều là quân cờ trong một ván cờ. Người xem luôn nhìn ra nước đi tốt nhất và dự đoán được những mối hiểm nguy, hay toan tính của người đối diện. Người trong cuộc chơi lại chính là người dễ dàng mù quáng bởi cảm nhận của mình.

 Sách Cái tôi được yêu thương. Ảnh: Ibooks.

Sách Cái tôi được yêu thương. Ảnh: Ibooks.

Chúng ta nhìn thế giới bằng mong muốn của mình

Người đang yêu chỉ nhìn thấy những phẩm chất tốt đẹp của người yêu mình, trong khi đối thủ lại chỉ nhận thấy những lỗi lầm hay điểm yếu của đối phương.

Con người luôn tin vào những thứ trước mắt mình và lờ đi mọi thứ khác. Thông qua cảm nhận của mình, chúng ta trở thành kẻ thiển cận và vì thế những mâu thuẫn tủn mủn trong cuộc sống đều bị làm quá lên.

Từ lúc con người không thể sống mà không có xung đột, và từ lúc tranh đấu trở thành một nhân tố thiết yếu của đời sống, họ đấu tranh cho những thứ thân thuộc nhất của mình bằng những chuyện nhỏ mọn hàng ngày, và đóng một vai bi thảm với những mong cầu tầm thường nhất.

Có một trạng thái là, khi ngã bệnh, những thói quen thường ngày của chúng ta dường như tạm ngưng lại, tầm nhìn của chúng ta mở rộng ra. Chúng ta thấy mình vượt qua giới hạn công việc hay mối bận tâm của mình, đào sâu vào những điều sâu thẳm trong vũ trụ, đồng thời tìm cách nắm bắt ý nghĩa của cuộc sống.

Trong một khoảnh khắc, chúng ta đặt chiếc kính của mình sang một bên và tận hưởng tầm nhìn vô tận của mình. Lúc đó, chúng ta có thể đưa ra những giải pháp rất đáng khen ngợi.

Một lúc nào đó, chúng ta không còn ngu xuẩn nữa, cũng sẽ không buộc mình vào những chuyện tủn mủn nữa. Chúng ta thấy rằng mình nên tận dụng tốt khoảng thời gian sống trên đời, đồng thời vượt lên trên trò đùa vô lý của số phận.

Những ngày đầu tiên sau khi phục hồi sức khỏe quả thực rất tuyệt vời. Người ta muốn vẽ phác bức tranh về một cuộc đời rực rỡ, những khát khao trở thành người tốt, thể hiện sự thiện lành. Ta tận hưởng tất cả thú vui trên đời để tha thứ, để thấu hiểu, để giác ngộ thực sự, và để giúp đỡ người khác.

Than ôi! Mộng tưởng ấy nhanh chóng biến mất. Sự ngất ngây tuyệt vời và sự giác ngộ tự do này sẽ nhanh chóng tan đi ngay. Chúng ta tiếp tục đeo lại chiếc kính cũ, trở về là một kẻ thiển cận, giả dối, tầm thường.

Những cặp kính do chúng ta tạo nên đã bóp méo tầm nhìn của chúng ta. Kỳ lạ là chúng ta đã quen với cặp kính sai lệch ấy, đến mức thực sự không thể chấp nhận bản thân mình và bất cứ người nào khác.

Quá nhiều cặp kính chúng ta đeo vào mắt mình trong cuộc đời này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bestie.

Buông xuống sầu muộn để sống ý nghĩa

Phải chăng những người viết thánh thi đã đúng khi cho rằng: Con người giữ khư khư những tổn thương và sự đau khổ tựa như giữ thứ đồ trang sức quý giá nhất của cuộc đời.

Chúng ta cũng giữ ý niệm về mọi thứ: Danh dự, lợi ích, hưởng thụ, được yêu thương. Tất cả chỉ là ảo ảnh giúp ta che đi sự tồn tại trống rỗng và vô dụng của mình, không phải vậy sao?

Nhưng đó không phải là tất cả về con người. Tôi vẫn luôn đề cao những lăng kính tốt đẹp, hữu dụng, thứ mở ra trước mắt ta một thế giới đẹp hơn.

Chúng ta có thể chữa lành những tổn thương, có thể buông xuống những lo toan tẹp nhẹp và nâng mình lên, hướng tới những mục đích sống cao cả hơn.

Bản nguyên của con người là yêu mến cái tốt, cái đẹp và sống thiện lành. Chúng chỉ như gương mờ bị che lấp đi do những tổn thương, những vết xước tâm hồn.

Chúng ta nhìn thấy tất cả bản chất của thế nhân không phải để phán xét và vờ ghê tởm nó. Chúng ta nhìn để thấy những điểm yếu trong mình, để vượt qua chúng.

Ai hiểu được điều đó sẽ trở thành một người nắm giữ cánh cửa của thế giới mới, thế giới không cần đến bất kỳ cặp kính nào. Nơi chúng ta có thể ngắm nhìn quang cảnh bình minh bừng lên rực rỡ của một ngày mới.

Cuối cùng hãy để tôi nói với bạn đôi dòng của Hugo von Hofmannstha: “Tôi rùng mình, tôi không muốn đứng trước tấm gương, bởi ở đó tôi sẽ trông thấy toàn bộ con người mình”.

Nhưng lời khuyên của tôi cho bạn là: "Hãy nhìn thẳng, hãy đối diện với chính mình. Đó là cách duy nhất để bắt đầu chấm dứt những mộng tưởng, ảo ảnh và khổ đau".

M.D. Wilhelm Stekel / Công ty sách Bách Việt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thao-bo-ao-tuong-voi-cuoc-doi-post1163670.html