Tháo Bình: Khởi nghiệp từ 'bãi cỏ hoang'

Trong bối cảnh kinh tế phát triển, nhiều người dân bỏ ruộng, không cấy vì đồng đất chua trũng, hiệu quả thấp, để ruộng thành bãi hoang thì anh Phạm Ngọc Hưng (sinh năm 1984, xã Vũ Quý, Kiến Xương, Thái Bình) lại khởi nghiệp từ 'bãi cỏ hoang' ấy.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học cây trồng, Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), anh Hưng đã có việc làm ổn định tại công ty Giống cây trồng Nam Định. Sau một thời gian tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm, năm 2015, anh quyết định từ bỏ vị trí kỹ sư nông nghiệp để trở thành một nông dân trực tiếp sản xuất, gắn bó với đồng ruộng ngay trên mảnh đất đã sinh ra mình.

Nghĩ là làm

Sinh ra và lớn lên trên quê hương lúa, hiểu mồ hôi, công sức mà người nông dân phải bỏ ra để có được hạt thóc vất vả đến chừng nào, anh luôn trăn trở: Năng suất lúa đạt ngưỡng kịch trần nhưng sao người nông dân vẫn nghèo? Xã hội ngày càng phát triển, KH-KT được cải tiến, nếu không hình thành các vùng sản xuất lớn sẽ rất khó để làm giàu từ chính cái gọi là “lợi thế”.

Trước chí hướng trở thành “đại điền chủ” của anh, gia đình người thân chẳng ai ủng hộ. Nhiều người bán tín, bán nghi, thậm chí còn bảo anh bị “khùng”. Thế nhưng người con quê hương 5 tấn vẫn theo đuổi con đường của mình để khẳng định “trồng lúa có thể làm giàu”.

Nghĩ là làm, anh vận động, tuyên truyền, thuyết phục để thuê được gần 20 ha đất vùng chua trũng, khó canh tác của người dân với giá 30 kg thóc/sào/vụ để chỉnh trang, cải tạo. Anh đầu tư hàng trăm triệu đồng thuê máy xúc để lộn đất, ủi cỏ, nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương trong vùng.

Sau khi hoàn thành cải tạo đồng ruộng, anh tiến hành gieo cấy giống lúa mới có tên Hương Việt 3. Đây là giống lúa ít sâu bệnh, chất lượng gạo ngon, là giống lúa thuần chất lượng cao do Ts.Vũ Hồng Quảng - giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng cộng sự nghiên cứu, chọn tạo.

Với thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, loại lúa này còn chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng ở nhiều vùng sinh thái, chất lượng gạo ngon, hạt thon dài, đạt tiêu chuẩn gạo xuất khẩu, hàm lượng protein, amylose, vitamin và khoáng chất cao hơn hẳn gạo thường.

Sản xuất với quy mô lớn, anh Hưng mua giống, thuê người làm mạ, cấy máy. Mỗi vụ thu hoạch khoảng 100 tấn, anh đầu tư hơn 3 tỷ đồng mua máy sấy, lắp đặt hệ thống xay xát gạo hạt dài, trong đó có một số máy móc hiện đại như máy đánh bóng, máy bắn màu… để hạt gạo đẹp, không bị lẫn cám, tạp chất, bảo quản được lâu dài. Dù bán buôn với giá rất cao (20.000 đồng/kg) nhưng gạo sạch của Hưng vẫn luôn “cháy” hàng.

Không chỉ thuê đất trồng lúa, anh Phạm Ngọc Hưng còn bao tiêu sản phẩm gạo cho nhiều HTX ở Thái Bình

Không chỉ thuê đất trồng lúa, anh Phạm Ngọc Hưng còn bao tiêu sản phẩm gạo cho nhiều HTX ở Thái Bình

Để xây dựng bước đi đầu tiên trên con đường phát triển thương hiệu gạo mà anh ấp ủ, anh đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ cho thương hiệu gạo “Quê lúa” và đã được cấp phép vào năm 2017.

Bước đi đầu tiên

Anh Hưng cho biết tổng chi phí cấy 1 sào lúa khoảng 1.134.000 đồng (bao gồm tiền thuê đất, phí dịch vụ HTX, thuê máy làm đất, thu hoạch, thuê làm mạ, cấy…), nếu cấy các giống lúa thông thường thì tổng thu nhập 1 sào đạt khoảng 1.440.000 đồng. Như vậy, trừ chi phí, mỗi sào lãi khoảng 300.000 đồng. Với gần 20 ha, lợi nhuận mỗi vụ khoảng 150 triệu đồng. Khi đầu tư cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, cấy, thu hoạch, vận chuyển thì mức lãi còn cao hơn nhiều.

Cùng với việc thuê đất cấy lúa, anh mua lại 6 ô xưởng của kho lương thực, đầu tư hệ thống máy móc phục vụ xay xát, chế biến gạo. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn ký hợp đồng tiêu thụ lúa với các HTX của Kiến Xương, Tiền Hải và công ty TNHH Hưng Cúc.

Với ước mơ xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho chính nhà máy chế biến, xuất khẩu gạo công suất hơn 100 nghìn tấn/năm của mình, ông Lý Thái Hưng - Giám đốc công ty TNHH Hưng Cúc, cho biết hiện doanh nghiệp của ông còn liên kết với 30 HTX trồng lúa với tổng diện tích 2.000 ha, sản lượng cung cấp cũng khoảng 14.000 tấn lúa. Công ty hỗ trợ các HTX về cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ về kỹ thuật với điều kiện HTX phải bán lại sản phẩm cho công ty.

Bà Đào Thị Liên ở thôn 3 ở xã Vũ Quý, cho biết: “Gia đình tôi có 5 sào ruộng, hiện cho Hưng thuê trong 2 năm, với mức 60 kg/sào/năm. Không làm ruộng nữa, hai vợ chồng tôi làm việc ở nhà máy xay xát gạo cho anh Hưng với tổng thu nhập 10 triệu đồng/tháng”.

Theo Hoàng Lê/Thời báo Kinh doanh

Theo Hoàng Lê/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/thao-binh-khoi-nghiep-tu-bai-co-hoang/20191018031706501