Tháo 3 điểm nghẽn phát triển miền Tây

ĐBSCL đang đứng trước 3 điểm nghẽn là thiếu vốn đầu tư, chưa thiết lập được cơ chế, tổ chức điều phối vùng và thiếu sản phẩm quy hoạch tích hợp liên kết nội vùng và liên vùng với TP HCM

Tài nguyên đất và nước được ví như đôi chân kiến tạo và phát triển ĐBSCL. Đôi chân đó đang đứng trước thách thức ở nhiều cấp độ. Tác động tiêu cực xuyên biên giới do biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Việc xây đập thủy điện của các quốc gia đầu nguồn sông Mê Kông làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Thiếu phối hợp, thừa chồng chéo

Thách thức đối với ĐBSCL còn bị nhân lên từ hoạt động kinh tế với cường độ cao ở nội vùng gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, trong khi quản lý nhà nước "thiếu phối hợp, thừa chồng chéo". Các tác động mang tính liên hoàn, cần sự nhận diện hệ thống, có chiến lược ứng phó dài hạn, tiếp cận đa ngành và phối hợp giải quyết liên ngành. Nghị quyết 120/NQ-CP đã xác định tầm nhìn mới cho vùng ĐBSCL, yêu cầu chuyển đổi mô hình, tư duy phát triển thích ứng, thuận theo tự nhiên và tăng cường liên kết vùng.

Thực tiễn hai năm triển khai thực hiện nghị quyết cho thấy những kết quả bước đầu rất quan trọng. Nhưng việc triển khai thực hiện của các bộ, ngành trung ương và địa phương còn thể hiện sự lúng túng. Phát triển vùng vẫn còn nguyên những tồn tại, vướng mắc do chồng chéo, níu kéo nhau của hơn 2.500 bản quy hoạch, tính khả thi không cao.

Mặc dù Nghị quyết 120/NQ-CP đã quyết nghị việc thành lập Hội đồng điều phối vùng nhưng đến nay chưa định được hình hài. Việc phân bổ ngân sách cho các chương trình, dự án đầu tư liên kết vùng mang tính tích hợp, vượt ra ngoài không gian hành chính tỉnh và nội bộ một ngành, cho đến giờ vẫn luôn bị vướng mắc bởi nhiều quy định của Luật Ngân sách, Luật Ðầu tư công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nhiều nội dung quan trọng, then chốt như thực hiện "cơ chế tài chính sáng tạo" để tạo vốn đầu tư chương trình, dự án liên kết vùng đến nay chưa thực hiện được. Hội nghị lần này là dịp để đánh giá cụ thể những kết quả làm được, chưa được để tập trung thực hiện.

Hội đồng điều phối vùng cần có thực quyền, nên tập trung 3 lĩnh vực then chốt: điều phối hoạt động đầu tư liên kết vùng; quản lý, sử dụng tài nguyên nước và thích ứng với những thách thức môi trường, biến đổi khí hậu. Bộ máy giúp việc cho Hội đồng điều phối vùng cần gọn, nhẹ, cán bộ chuyên môn tinh thông. Bên cạnh hội đồng, cần thành lập Nhóm tư vấn phát triển nghiên cứu, tư vấn, phản biện về chính sách và các vấn đề phát triển vùng ĐBSCL cho cơ quan trung ương và địa phương liên quan phát triển vùng.

Nhận diện cơ chế thí điểm liên kết vùng

Liên kết vùng là vấn đề lớn, khó, nên việc tổ chức liên kết trên hiện trạng tổ chức bộ máy, các nguồn lực phân tán, cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật chồng chéo, tạo ra các điểm nghẽn. Huy động nguồn lực đầu tư liên kết vùng đụng chạm đến nhiều quy định của luật, nên ĐBSCL rất cần khâu đột phá, nhất là các đột phá về cơ chế, chính sách.

Quyết định 593/QĐ-TTg là văn bản pháp lý đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL. Việc triển khai vừa qua còn chậm, nhiều lúng túng. Trong khi yêu cầu bức xúc hiện nay là cần tháo gỡ các điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách, quy định pháp lý hiện hành đang kìm hãm sự phát triển vùng.

Điểm mới quan trọng của quy chế thí điểm là xác lập một "cơ chế tài chính sáng tạo cho đầu tư vùng". Dấu ấn "vượt rào cản" cần thiết của cơ chế này là việc Thủ tướng cho phép bố trí "mức vốn tối thiểu 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương trong vùng". Nhưng đáng tiếc, vấn đề mới này đến nay chưa thực hiện được.

Vốn 10% cho liên kết vùng chưa được bố trí trong kế hoạch vốn năm 2017-2019 vì những rào cản hiện hành và nguồn lực hạn hẹp. Trong khi vốn kế hoạch trung, dài hạn giai đoạn 2016-2020 đã được bố trí hết, thời gian thí điểm chỉ xác định đến năm 2020. Việc thu hút các nguồn vốn khác theo hình thức hợp tác đối tác công- tư (PPP) cho đầu tư liên kết vùng cũng đang gặp phải khó khăn. Nếu không có cơ chế về nguồn vốn trong thời gian tới thì khó có thể tổ chức thí điểm liên kết vùng thành công.

Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế điều phối và vận hành Trung tâm thông tin dữ liệu vùng để bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu chính xác, kịp thời cho việc ra quyết định của Hội đồng điều phối vùng và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế liên kết hiệu quả các tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, tiểu vùng giữa sông Tiền, sông Hậu và ven biển phía Đông.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thao-3-diem-nghen-phat-trien-mien-tay-20190617223812206.htm