Thành ủy Hà Nội đánh giá công tác tổ chức đại hội điểm đảng bộ cấp trên cơ sở

Chiều 4-6, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả tổ chức đại hội điểm đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy, nhiệm kỳ 2020-2025. Đó là ba đại hội đại biểu các đảng bộ: Quận Ba Đình, huyện Gia Lâm và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì hội nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là trưởng các đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy về chỉ đạo tổ chức đại hội; đại biểu một số ban Đảng Trung ương; đại diện Thường trực, Trưởng ban Tổ chức các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy.

Trình bày báo cáo đánh giá kết quả đại hội điểm đảng bộ cấp trên cơ sở, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Cảnh cho biết, ba đại hội điểm đã nghiêm túc thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, tổ chức quán triệt đến đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, xây dựng và ban hành kế hoạch và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện công tác nhân sự, công tác kiểm tra, giám sát, công tác chuẩn bị văn kiện...

Công tác chuẩn bị đại hội cấp trên cơ sở được tập trung thực hiện chu đáo, đúng quy định, bảo đảm tiến độ. Ba đại hội đã diễn ra thành công, thực hiện đủ 4/4 nội dung đề ra. Thời gian đại hội không quá 3 ngày theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội.

Đoàn chủ tịch các đại hội điều hành chương trình đại hội nghiêm túc, khoa học, đúng trình tự. Các văn kiện được chuẩn bị chất lượng, chu đáo. Đại hội các đảng bộ đã dành thời gian hợp lý để đại biểu thảo luận nhiều hơn, đã có từ 10 đến 14 ý kiến phát biểu tham luận trực tiếp tại hội trường, thời gian phát biểu từ 10 đến 15 phút/lượt. Các tham luận được chuẩn bị theo các chuyên đề, thể hiện tâm huyết, trí tuệ.

Việc ứng cử, đề cử và bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra cấp ủy được thực hiện đúng quy định. Tại cả ba đại hội, 100% đại biểu tham dự đều nhất trí với nhân sự do cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 chuẩn bị. Việc kiểm phiếu bầu đều ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm nhanh và chính xác, đúng quy chế bầu cử, không xảy ra sai sót, vi phạm. Kết quả phiếu bầu tập trung, đúng, đủ, đạt tỷ lệ cao.

Tổng số cấp ủy viên được bầu tại ba đại hội là 97 đồng chí; trong đó 80/81 đồng chí được giới thiệu tái cử đã trúng cử (đạt 98,8%), 17 đồng chí là cấp ủy viên tham gia lần đầu. Kết quả bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm, quận Ba Đình đều tốt, tỷ lệ phiếu gần như tuyệt đối. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm, quận Ba Đình đều vượt chỉ tiêu.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, ngoài hệ thống văn bản chỉ đạo rất kịp thời, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện của Trung ương và Thành ủy, thành công của các đại hội điểm là nhờ các cấp ủy Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, chặt chẽ, khoa học. Các đoàn công tác, đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy, nhất là các đồng chí trưởng đoàn công tác số 1, số 2 và số 6 thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cả quá trình tổ chức đại hội từ cấp chi bộ, trực tiếp chủ trì làm việc với các cấp ủy trong công tác chuẩn bị đại hội.

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Địa phương I (Văn phòng Trung ương Đảng) Nguyễn Mạnh Thắng phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Địa phương I (Văn phòng Trung ương Đảng) Nguyễn Mạnh Thắng đánh giá: “Việc Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm ngay trong ngày đại hội điểm thứ ba bế mạc (Đại hội đại biểu lần thứ XXVI Đảng bộ quận Ba Đình bế mạc sáng 4-6) là rất kịp thời và cần thiết. Báo cáo tổng hợp kết quả đã nêu rõ ưu điểm, hạn chế. Đây là cơ sở rất tốt để các cấp ủy khác rút kinh nghiệm”.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, nguyên nhân quan trọng giúp ba đại hội điểm thành công là việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 và Chỉ thị 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy, qua đó tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, giúp ổn định tình hình, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên.

Các ý kiến cũng thống nhất với việc chỉ rõ 4 hạn chế và 3 nguyên nhân trong công tác tổ chức các đại hội điểm vừa qua. Trong đó, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, dự thảo báo cáo chính trị đọc tại đại hội nên chuẩn bị từ 10 đến 12 trang, trình bày trong vòng khoảng 30 đến 35 phút. Báo cáo kiểm điểm cần tránh lặp lại những nội dung của báo cáo chính trị. Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu nên ngắn gọn, tập trung vào vấn đề chính, trình bày từ 5 đến 7 phút. Đồng chí Vũ Đức Bảo cũng cho rằng, kịch bản điều hành bảo đảm ngắn gọn, phân công rõ trong đoàn chủ tịch.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu tại hội nghị.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, đại hội đảng không chỉ là sự kiện chính trị trong Đảng mà còn của cả nhân dân. Do đó, báo cáo nên tập hợp thêm đánh giá về dư luận nhân dân đối với công tác tổ chức và kết quả đại hội. Đồng chí Đào Đức Toàn đề nghị, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy, trong quá trình chuẩn bị đại hội, phải nắm chắc tình hình, tiếp tục coi trọng việc củng cố các tổ chức Đảng khó khăn, giải quyết các vấn đề phức tạp ở cơ sở, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư trước, trong và sau đại hội.

Chủ động chuẩn bị, bảo đảm chất lượng, tiến độ

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, ngay sau khi có Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch 155-KH/TU về đại hội đảng các cấp. Trên cơ sở đó, các cấp ủy trực thuộc đã cụ thể hóa, triển khai thực hiện, gắn với tập trung giải quyết những vụ việc phức tạp, tồn đọng để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp thành công, nhất là trong bối cảnh Hà Nội và cả nước tập trung chống dịch Covid-19.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị.

Tính đến ngày 15-5-2020, toàn Đảng bộ thành phố đã có 17.118/17.118 (đạt 100%) chi bộ thuộc đảng bộ cơ sở tổ chức thành công đại hội. Về đại hội các tổ chức cơ sở Đảng, đến ngày 1-6-2020, có 1.826/2.311 tổ chức cơ sở Đảng tổ chức thành công đại hội, đạt gần 80%; trong đó, có 13 đảng bộ quận, huyện hoàn thành đại hội 100% tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc. Công tác tổ chức đại hội điểm đã được Thành ủy quan tâm, chỉ đạo.

Khẳng định cả ba đại hội điểm đảng bộ cấp trên cơ sở đều được tổ chức thành công trên mọi phương diện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy biểu dương, đánh giá cao nỗ lực cố gắng và trách nhiệm của cấp ủy ba đơn vị đại hội điểm và các đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách. Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, trên cơ sở ba đại hội điểm, Thường trực Thành ủy đã chuẩn bị một bộ tài liệu đầy đủ làm cơ sở tham khảo cho tất cả các đảng bộ còn lại. Sau đây, từng đơn vị chủ động nghiên cứu, tham khảo để vận dụng phù hợp với điều kiện, đặc thù của đơn vị.

Nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ cần được các cấp ủy tập trung thực hiện trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tổ chức đại hội cơ sở, phấn đấu xong trước ngày 15-6. Các đơn vị tổ chức xong, các cấp ủy phải tiến hành tổng kết, chỉ đạo các cấp ủy cơ sở khẩn trương xây dựng quy chế làm việc; kiện toàn các chức danh theo quy định; chuẩn bị các bước triển khai thực hiện đề án chính quyền đô thị...

Cấp ủy các đảng bộ trực thuộc Thành ủy chưa tổ chức đại hội cần chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị đại hội, bảo đảm chất lượng, tiến độ, phấn đấu xong trước ngày 15-8. Trước hết, từng đơn vị tập trung hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị, trong đó bám sát Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; bảo đảm các chỉ tiêu của quận, huyện, thị xã không thấp hơn chỉ tiêu chung của thành phố.

Yêu cầu phải chủ động đi trước một bước về công tác chuẩn bị nhân sự, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng chỉ đạo các cấp ủy chủ động, chuẩn bị theo đúng quy trình và hướng dẫn của Thành ủy. Quá trình chuẩn bị nhân sự phải gắn với tập trung nắm bắt tình hình, củng cố tổ chức Đảng, giải quyết đơn, thư, trước hết tập trung khắc phục đối với 9 đảng bộ quận, huyện cần quan tâm, 20 tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý các cấp ủy xây dựng kịch bản điều hành, cụ thể hóa, văn bản hóa toàn bộ nội dung, chương trình đại hội. Riêng phần báo cáo kiểm điểm của cấp ủy, không đi sâu vào báo cáo kết quả, mà cần tập trung vào những nhận định về kết quả thực hiện các nguyên tắc của Đảng, tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu 16 đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo đại hội đảng các cấp tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đảng bộ theo phân công; có trách nhiệm phê duyệt toàn bộ văn kiện đại hội; phê duyệt chương trình, kịch bản, thời gian đại hội của đảng bộ và cho ý kiến bước đầu về phương án nhân sự. Đặc biệt, các đoàn công tác chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy về chất lượng, tiến độ đại hội từ cấp chi bộ đến cấp cơ sở, cấp trên cơ sở theo phân công.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý các cấp ủy làm tốt công tác tư tưởng, quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với 97 đồng chí cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý không tái cử cấp ủy. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, sớm đưa nghị quyết đại hội đảng vào cuộc sống, để đại hội thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, công chức và nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tin tưởng, với kinh nghiệm thành công của ba đơn vị đại hội điểm, chắc chắn các đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức thành công đại hội, góp phần quan trọng hướng tới tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Hà Ly - Ảnh: Bá Hoạt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/969192/thanh-uy-ha-noi-danh-gia-cong-tac-to-chuc-dai-hoi-diem-dang-bo-cap-tren-co-so