Thành Tuyên thành thơ

Hai chữ thành Tuyên trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Hồng Hải như một ký hiệu thơ. Cứ đọc tập 'Vườn của mẹ' là đủ thấy điều này.

Thơ ngân lên, rung lên nhớ thương day dứt trong tâm hồn của một người con sinh ra từ nơi ấy – thành Tuyên quê hương máu thịt của đời anh dù anh quê nội ở Nam Định.

"Có một miền yêu dấu của riêng tôi.

Nơi tiếng khóc tuổi thơ ở đấy.

Một vùng quê quăn queo cỏ cháy.

Những mảnh đồi lô xô đá - trung du".

Đó là nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Hải. Từ mảnh đất bên dòng Lô anh bước chân vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, học khoa Ngữ Văn (tốt nghiệp 1992), rồi học thêm tấm bằng cử nhân Luật (1998) và thạc sĩ báo chí (2005). Đó là sự phát triển về con đường học vấn của nhà báo Nguyễn Hồng Hải, từ một nhà báo viết, báo hình, cho đến nay đang là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II (trực thuộc VOV – Đài tiếng nói Việt Nam) tại TP.HCM. Anh là hội viên Hội nhà báo Việt Nam.

Nhưng thành Tuyên sống trong anh từ những ngày thơ ấu đã ấp ủ và ươm mầm những câu thơ như lời tự tình với đất mẹ từ rất sớm. Ngay hồi học đại học, anh đã tham gia sinh hoạt nhóm thơ “Thanh Xuân” của những người làm thơ trẻ mà về sau này đã nổi lên những tên tuổi như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Sĩ Đại, Trần Kim Hoa… Từ những bài thơ đầu tay, Nguyễn Hồng Hải đã lấy quê hương làm nguồn cội cảm xúc, từ đó lan tỏa những vòng sóng tâm tư tình cảm đến cảnh và người muôn nơi. Về sau này bước chân đường đời đường nghề đã đưa anh đến nhiều nơi chốn khác trong và ngoài nước, ở đâu anh cũng có thành Tuyên làm kim địa bàn cõi nhớ cõi thơ.

Năm 2020 này ở độ tuổi “tri thiên mệnh”, Nguyễn Hồng Hải xuất bản tập thơ thứ ba “Vườn của mẹ” và làm tuyển tập thứ nhất thơ mình. Trước đó, anh đã xuất bản các tập “Lời yêu của đá” (1991) và “Mùa ban mai” (2008). Năm 1992, Nguyễn Hồng Hải đã là hội viên Hội Nhà Văn Hà Nội.

Hai chữ thành Tuyên trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Hồng Hải như một ký hiệu thơ. Cứ đọc tập “Vườn của mẹ” là đủ thấy điều này. Người thơ đi nửa cuộc đời tìm về lại mảnh vườn của mẹ, đó là về lại quê hương.

"Ta chạy về như ngọn gió cạn cùng sức lực.

Sà xuống dòng Lô để vợi đi cơn khát.

Gột rửa con tim lầm lạc.

May mà còn quê, còn lối trở về".

Trong sách in ra, Nguyễn Hồng Hải đã tự viết tay những dòng thơ này làm đề từ như một bản chứng của tâm hồn anh với mảnh đất sinh thành.

Về quê là về lại khu vườn của mẹ có “cỏ mần trầu, lá bưởi, lá sả, hương nhu và bồ kết”, có “giếng nước đá ong mát lạnh góc sân”, có “lu nước trong veo mỗi sớm mai hoa ngâu thả kín” để đứa con sau ba mươi năm rời nhà đi nay trở lại ước mình vẫn là đứa trẻ được chạy ra vườn hái lá nấu nồi nước gội đầu rồi “dội từng gáo nước thơm tóc mẹ ướt đầm”. Đứa con đi xa chiều ba mươi tết giữa Sài Gòn nghe hương lá mùi già chợt nhớ mẹ nhớ quê quay quắt.

"Làm sao con có thể trở về bên bếp lửa tuổi thơ.

Để được hà hít hương lá mùi già tỏa ra từ nồi nước và từ đôi bàn tay mẹ.

Nếu có thể đánh đổi cả những tháng ngày xô dạt chân trời góc bể.

Để con được trở về bên mẹ chiều nay".

Về quê là về với những câu chuyện quê của người quê quanh những chuyện tháng ba ngày tám, con tôm cái tép, quả cà mớ rau, những chuyện hàng ngày hiển nhiên bao đời tưởng không thể nào mất mà giờ cũng chợt thưa vắng khiến nhà thơ thảng thốt “nếu tắt đi ta biết sống thế nào”.

Thành Tuyên, vùng đồi núi nơi anh đã sinh ra và lớn lên, đã thổi vào anh ngọn gió thi ca vi vút mãi không thôi.

"Tuyên Quang, Tuyên Quang

Những con đường như máu chảy trong tim.

Đi suốt cuộc đời không thể nào quên được.

Chiều tìm về sông Lô ngập ngừng bến nước.

Nào có ai đợi ta mà cứ bồi hồi".

Như vậy trở về đây còn là về lại miền ký ức. Câu thơ cuối ở khổ thơ trên nghe ra một dỗi hờn trách móc của gã trai đầu đã điểm bạc bây giờ với chàng trai tóc xanh ngày trước. Nên anh phải trở về đi tìm những đợi những chờ của cái thuở còn rất ngập ngừng gìn giữ. Nhiều những luyến tiếc day dứt trong sự kiếm tìm ấy. Nó hiện ra trong hai chữ “giá như” và “giá như em đừng khóc/ cứ lặng im bên nhau / lặng im như cát dưới chân mình”.

Đọc thơ mới thấy bên ngoài Nguyễn Hồng Hải sôi nổi, ào ạt, là một người sâu cảm tận bên trong với nhiều buồn lắng. Tâm hồn anh dễ lay động với một ngọn gió bay, một chiếc lá lay, một bàn tay vẫy, một ánh mắt đưa. Những bài thơ bốn câu trong tập này vì thế đọc nhiều khi tưởng nhẹ nhõm mà lại vật vã. Ngỡ như với Nguyễn Hồng Hải cái gì cũng cất lên thành thơ được. Nhưng nước mắt của người đàn ông thường lặn vào trong như khi nhà thơ nhớ cha trong nỗi đồng vọng “bây giờ con lại làm cha/ lại lầm lũi cõi ta bà sân si”. Người cha ấy đã cay sống mũi khi mang cho con gói mì tôm, gói chè Thái sang tận thủ đô Đan Mạch mà thương con thương cả mình.

Nguyễn Hồng Hải “nghe hương rơm rạ gọi nhau tìm về” vùng quê sinh thành, miền ký ức tuổi nhỏ khi đã đi đến giữa chặng đường thường được mặc định là kỳ hạn sống trong “cõi người ta”. Người xưa đến tuổi này đã có thể an nhiên tự tại. Người nay “bấm đốt ngón tay đếm thăng trầm được mất” vẫn thấy “tuổi năm mươi như dấu hỏi giữa trời”.

Nguyễn Hồng Hải đã treo lên dấu hỏi đó ở tập thơ mới này của mình. Dấu hỏi làm mũi tên dẫn lối nhà thơ tìm về và tìm đi. Dấu hỏi nối hôm qua “hai mươi tuổi ngỡ tưởng mình giàu có/ đặt cược thanh xuân mua bán cả thiên hà” sang hôm nay “tuổi năm mươi như con thuyền trong bão/ bến bờ nào cũng thăm thẳm trùng khơi”.

Kể ra người thơ ngần ngại trước tuổi mình như vậy là rất chi nỗi niềm. Khoảng cách thời gian giữa hai cái tuổi xét ở thời nay không phải là gì ghê gớm. Con người thời hiện đại trẻ trung lâu hơn tuổi. Nhưng có khi chính thế, người thơ mới càng ý thức rõ rệt hơn bước đi gấp gáp của thời gian và sự chất chồng của tuổi tác không phải theo năm tháng mà theo cái sống từng ngày. Nhìn tấm ảnh cũ anh thấy lại những đồ đạc cũ vẫn còn đến hôm nay và cả bông hoa mới nở khi ấy, khi bức ảnh được chụp. Nhưng đến bây giờ bông hoa ấy cũng đã phảng phất dáng hình xưa cũ, gắn với những kỷ niệm đắng ngọt một thời trẻ trai. Và dù anh có muốn hoa mãi mãi tinh khôi như khi nó mới được chụp thì nước ảnh cũng đã lên màu thời gian.

"Tựa cửa nghe ời ời ký ức.

Tháng ngày vỡ nát sau lưng".

Đâm ra anh đắn đo từng bước trước một ngã tư cuối đường để đến nỗi kiếp này, đời này không đến được với em. Hơn thế, anh còn sợ lạc đường nếu một giây lơ đễnh trên những nẻo đi đã quen thuộc sẽ khiến mình rẽ nhầm lối khác. Từ kinh nghiệm đi đường thực tế hàng ngày nhà thơ nghĩ tới.

"Và trên nẻo đường số phận dắt ta qua.

Có hạnh phúc, khổ đau, hoa hồng và gai góc.

Nào ai nắm tay trọn đời mà biết được.

Chỉ lơ đễnh một chút thôi, có thể, lại lạc đường".

Cũng từ một kinh nghiệm đi Metro ở Stockholm, anh nhận ra mình có thể là người chậm chân nếu lỡ nhịp tàu. Khi đó chỉ còn lại rỗng không sân ga và người bị bỏ lại.

Nhưng Nguyễn Hồng Hải đã biết tìm về vườn của mẹ ở thành Tuyên. Ký ức cứ đầy lên sau mỗi ngày sống trôi qua. Khu vườn giữ lại cho anh cảm xúc sống, cảm xúc thơ. Mùi hương rơm rạ trong thơ anh vương vấn lòng người đọc. Đó là mùi hương thành Tuyên thành thơ của Nguyễn Hồng Hải.

Phạm Xuân Nguyên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-tuyen-thanh-tho-80775