Thành tựu từ góc độ đầu tư hệ thống cơ sở vật chất

Trong 10 năm qua, thông qua các chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển, giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã có những chuyển biến tích cực. Thành tựu nổi bật nhất là mạng lưới, quy mô trường, lớp học ngày càng phát triển, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục được đầu tư xây dựng kiên cố, chất lượng dạy và học được nâng lên.

Học sinh Trường Mầm non Đức Long hào hứng khám phá gian hàng nông sản quê em tại sân trường. Ảnh: Bích Nguyên

Học sinh Trường Mầm non Đức Long hào hứng khám phá gian hàng nông sản quê em tại sân trường. Ảnh: Bích Nguyên

Ghi nhận ở ngôi trường vùng biên

Chúng tôi có mặt tại Trường Mầm non Đức Long, xã biên giới Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng vào giữa buổi sáng. Lúc này, cô và trò đang trong giờ học ngoài trời. Sự hứng khởi, vui vẻ thể hiện rõ nét trên mỗi khuôn mặt trẻ thơ. Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận về ngôi trường này là các giáo viên đã rất kỳ công trang trí các phòng học cũng như tự tay tạo dựng các không gian giáo dục trực quan, sinh động, đẹp mắt trong khuôn viên trường.

Chị Nông Thị Thơ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Long cho biết: “Trường được thành lập từ năm 2006. Năm học 2018-2019, có 140 học sinh bố trí trong 8 lớp học. Chúng tôi còn có một điểm trường nữa cũng được xây dựng khang trang phục vụ số học sinh ở các thôn, bản xa trường chính”.

Theo quan sát của chúng tôi, Trường Mầm non Đức Long được xây dựng khang trang với 6 phòng học, 5 phòng chức năng và 2 phòng làm việc của Ban giám hiệu. Bên cạnh các trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi của học sinh, giáo viên nhà trường còn tự tay làm khu vườn âm nhạc bằng các vật dụng trong cuộc sống để các con có thể chơi nhạc. Ấn tượng nhất là gian hàng nông sản do các cô giáo dựng lên. Gian hàng này trưng bày sản vật của địa phương theo mùa thu hoạch phục vụ các giờ học ngoại khóa. Nhờ phương pháp học trực quan sinh động đó, học sinh có thể dễ dàng nhận biết các loại rau, củ, quả, ngũ cốc của chính quê hương mình.

Nói về việc xây dựng môi trường học tập thân thiện với trẻ, chị Thơ chia sẻ: “Chúng tôi phát động phong trào trang trí lớp học theo chủ đề, với phương châm lấy trẻ làm trung tâm. Vì vậy, các phòng học đều được trang trí rất kỳ công, tạo hứng thú cho trẻ học tập với đúng nghĩa mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Với sự đầu tư xây dựng của Nhà nước và sự nỗ lực của các giáo viên trong dạy học, tháng 5-2019, Trường Mầm non Đức Long đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chị Thơ cho biết: “Nhờ các chính sách của Nhà nước và công tác xã hội hóa, cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư xây dựng tốt. Nhận thức của cha mẹ học sinh được nâng lên cao hơn so với trước đây, phụ huynh rất quan tâm và nhiệt tình hỗ trợ nhà trường trong công tác giáo dục trẻ, tỉ lệ học sinh đến trường tăng lên rõ rệt”.

Hệ thống trường, lớp ngày càng khang trang

Trường Mầm non Đức Long là một trong số rất nhiều trường học vùng DTTS, miền núi được đầu tư xây dựng cơ bản, phục vụ hiệu quả cho công tác dạy và học. Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, nhiều cơ sở giáo dục vùng DTTS đã được xây dựng khang trang, thiết bị tương đối đầy đủ. Diện mạo cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được thay đổi ngày càng đáp ứng các yêu cầu để nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, đã cơ bản xóa bỏ được phần lớn phòng học 3 ca, phòng học tạm các loại và giải quyết điều kiện chỗ ở cho hàng vạn giáo viên.

Cũng theo Ủy ban Dân tộc, Chính phủ đã ban hành 38 văn bản về giáo dục, đào tạo vùng DTTS và đang có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng ban hành Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14-6-2019 có hiệu lực thi hành vào năm 2020. Nhờ các chính sách của Nhà nước, mạng lưới, quy mô trường lớp các cấp học từ mầm non đến phổ thông ở vùng DTTS được củng cố phát triển, chất lượng giáo dục được nâng cao. Về cơ bản, các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có lớp mầm non; tất cả các xã đều có trường tiểu học hoàn chỉnh ở khu vực trung tâm xã.

Hiện nay, vùng DTTS, miền núi có gần 5.800 trường mầm non (tăng 7,6% so với năm học 2011-2012); trong đó, 25,52% đạt chuẩn quốc gia. Tỉ lệ trẻ được ăn bán trú đạt 89,6%. Toàn vùng DTTS, miền núi cũng đã hình thành 7.100 trường tiểu học; gần 5.000 trường trung học cơ sở (tăng 429 trường so với gần 10 năm trước); 1.195 trường trung học phổ thông. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học cũng tăng lên về quy mô.

Đến nay, có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú được thành lập ở 49 tỉnh/thành phố (khoảng 40% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia); 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 28 tỉnh. Chất lượng giáo dục toàn diện của hệ thống phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông có học sinh bán trú có chuyển biến rõ rệt. Tỉ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học hoàn thành cấp học đạt 98,9%, học sinh bán trú cấp trung học cơ sở hoàn thành cấp học đạt 92%.

Các phòng học của Trường Mầm non Đức Long đều được trang trí theo chủ đề. Ảnh: Bích Nguyên

Ở cấp học cao hơn, toàn quốc hiện có 4 trường dự bị đại học và 3 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường đại học với quy mô hơn 5.000 học sinh dự bị/năm. Các trường này đã và đang thực hiện tốt việc tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các địa phương.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2017-2018, tỉ lệ người DTTS biết chữ trong độ tuổi 15 đến 35 là hơn 96% và trong độ tuổi từ 15 đến 60 là 92,55%. Tỉ lệ trên đã đạt và vượt mục tiêu đến năm 2020 của Đề án về công tác xóa mù chữ.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết, với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, chất lượng giáo dục vùng DTTS đã và đang phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng đào tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cùng vùng.

Năm 2019, thành tích của học sinh DTTS xuất sắc, tiêu biểu của cả nước tăng về số lượng và chất lượng. Tổng số học sinh đạt thành tích xuất sắc là 333 em, tăng 180 em so với năm 2018.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thanh-tuu-tu-goc-do-dau-tu-he-thong-co-so-vat-chat/