Thành tựu rực rỡ, động lực mạnh mẽ hướng tới tương lai

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: 'Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời'. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Ảnh: TTXVN

Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Ảnh: TTXVN

Kể từ dấu son lịch sử đó đến nay, trải qua chặng đường 75 năm (1945-2020), công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN... Điểm lại những thành tựu nổi bật ở từng giai đoạn, chúng ta có thể phác họa nên những nét lớn trong bức tranh tổng thể đó.

Trong giai đoạn 1945-1954, chúng ta đã xây dựng, bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ; động viên sức mạnh toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Sau khi giành được chính quyền, chúng ta tiếp quản một “gia tài” đổ nát của chế độ thực dân, phong kiến. Nông nghiệp bị phá sản, công nghiệp bị đình đốn, kinh tế tài chính đều kiệt quệ. Nạn đói vẫn đang đe dọa tính mạng của đồng bào ta. Hơn 90% dân số bị mù chữ, tệ nạn xã hội tràn lan. Ở miền Nam, 1,5 vạn quân Anh giúp đỡ quân Pháp đánh chiếm Nam bộ. Ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch với âm mưu “diệt Cộng, cầm Hồ” tìm mọi cách phá hoại cách mạng nước ta.

Đứng trước vận mệnh đất nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Trung ương Đảng, Chính phủ mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, với ba nhiệm vụ lớn: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm; đồng thời, đề ra những biện pháp chủ yếu nhằm xây dựng, củng cố, giữ vững chính quyền. Những chủ trương, biện pháp đúng đắn được đưa ra kịp thời đã khơi dậy sức mạnh to lớn của cả dân tộc, bảo vệ được chính quyền và đưa cách mạng tiếp tục phát triển vững chắc; tạo thế chủ động cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chúng ta đã phát động cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, có phương châm chiến lược, nghệ thuật quân sự đúng đắn; mở đầu và kết thúc chiến tranh đúng lúc; xử lý đúng đắn mối quan hệ của cách mạng nước ta với phong trào cách mạng thế giới, tranh thủ sự chi viện của quốc tế cả về vật chất và tinh thần.

Giai đoạn 1954-1975, chúng ta đã tiến hành thắng lợi hai chiến lược cách mạng là xây dựng CNXH ở miền Bắc và giải phóng dân tộc ở miền Nam. Đối với sự nghiệp xây dựng CNXH, trong những năm chiến tranh phá hoại, miền Bắc vẫn giữ vững được sản xuất ở một số ngành cơ bản. Kinh tế địa phương đã làm tốt vai trò cung cấp tại chỗ cho nhu cầu của cuộc chiến tranh; hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp tiếp tục được củng cố. Đến năm 1975, tổng thu nhập của miền Bắc đã tăng gấp 2 lần so với năm 1957. So với năm 1954, đến năm 1974, đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật đã tăng gấp 94 lần; y tế, văn hóa đã phát triển với tốc độ kỳ diệu, nền giáo dục của ta đã phát triển nhanh chóng.

Tất cả những thành tựu vĩ đại của miền Bắc giành được đã đặt nền móng quyết định cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng cả nước, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc tế với cách mạng của Lào và Campuchia. Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng - đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX.

Giai đoạn 1975-1986, cả nước nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trong những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, chúng ta gặp phải nhiều khó khăn. Một mặt, chúng ta phải giải quyết hậu quả 30 năm chiến tranh; mặt khác, phải tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; bị bao vây, cấm vận...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc quyết tâm đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, xây dựng, củng cố chính quyền trên phạm vi cả nước, ban hành Hiến pháp mới của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. 10 năm cả nước tiến theo con đường CNXH (1975-1985) là 10 năm Đảng ta tìm tòi con đường đổi mới. Những thành tựu và khuyết điểm trong 10 năm ấy đã để lại những bài học quý giá cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Từ giai đoạn 1986 đến nay, nước ta đã bước đầu gặt hái thành công từ công cuộc đổi mới; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đưa ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta. Qua gần 35 năm đổi mới, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững.

Vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, văn hóa, xã hội không ngừng phát triển. Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, chậm phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình; đang thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Nhìn lại chặng đường 75 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, chúng ta thấy để có những thành quả của cách mạng như ngày nay, dân tộc ta đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Đến nay, dù đâu đó vẫn còn tồn tại những hạn chế, khuyết điểm cần tiếp tục được khắc phục, song, mỗi chúng ta đều cảm thấy rất đáng tự hào, cũng như nhận rõ trách nhiệm phải trân trọng, gìn giữ, phát huy những thành quả cách mạng mà nhân dân ta dày công vun đắp. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, trong thời gian tới, đất nước sẽ vững bước tiến vào tương lai và có nhiều thành công trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.

Nguyên Vũ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thanh-tuu-ruc-ro-dong-luc-manh-me-huong-toi-tuong-lai-post432639.html