Thành tựu nhiều, thách thức không ít

Cách đây 50 năm, ngày 8-8-1967, Tuyên bố Băng Cốc được ký kết đưa đến sự ra đời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, theo đánh giá của nhiều học giả, ASEAN đã ghi vào lịch sử của mình nhiều thành tựu quan trọng, song thử thách chờ đón hiệp hội ở phía trước cũng không hề ít.

Từ 5 thành viên ban đầu, ASEAN đã mở rộng đầy đủ gồm 10 nước Đông Nam Á, trở thành một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, hoạt động trên cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế là Hiến chương ASEAN. ASEAN hiện nay là một thực thể kinh tế ổn định và năng động, có khả năng thích ứng cao trước các chuyển biến của khu vực và thế giới. ASEAN cũng đang giữ vai trò kết nối quan trọng ở khu vực nhờ thành công trong quan hệ với nhiều đối tác bên ngoài, nhất là các nước lớn, góp phần xây dựng và định hình cấu trúc khu vực thông qua các tiến trình, cơ chế và diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt.

“ASEAN đóng một vai trò quan trọng to lớn trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Đây là thành tựu nổi bật mà ASEAN đã đạt được trong 50 năm qua. Tôi cho rằng trong nửa thế kỷ qua, ASEAN đã đi đúng hướng. Một ví dụ có thể nêu ra là chúng ta đã có Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền với mục đích hướng đến việc tăng cường hiệu quả thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực. ASEAN đã nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền”, Đại sứ Cla-rô Xu-a-rết Cri-xtô-ban (Claro Suarez Cristobal), Giám đốc Học viện Ngoại giao Phi-líp-pin, chia sẻ bên lề một hội thảo quốc tế về ASEAN được tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Các đại biểu tại một Hội thảo quốc tế về ASEAN được tổ chức tại Hà Nội, tháng 6-2017.

Từ một khu vực nhiều xung đột, căng thẳng, Đông Nam Á đã trở thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển với vai trò gắn kết và thúc đẩy hợp tác của ASEAN. Từ các quốc gia đa dạng và khác biệt về nhiều mặt, 10 nước Đông Nam Á đã trở thành thành viên của Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đó thói quen đối thoại, đồng thuận, hợp tác cùng xử lý các vấn đề chung của khu vực ngày càng được củng cố. “Thăng trầm là vậy, tuy nhiên, khối đã vượt qua và trở thành một cộng đồng chung. ASEAN đang nỗ lực thông qua nhiều quá trình tập trung vào các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa”, Giáo sư Xu-chít Bun-bông-can (Suchit Bunbongkarn), Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế của Thái Lan, khẳng định.

Trong khi đó, ông Pi-tơ Gớc-cơ (Peter Girke), Giám đốc Quỹ Konrad Adenauer tại Việt Nam, nhấn mạnh trong suốt chặng đường nửa thế kỷ qua, ASEAN đã đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia thành viên và người dân của các quốc gia đó. “Thành tựu lớn mà các nước ASEAN đã đạt được chính là sự đồng thuận lớn dựa trên cấu trúc tổ chức đáp ứng sự phát triển của hiện tại”, ông Pi-tơ Gớc-cơ cho biết thêm.

Tình hình thế giới và khu vực bước sang thế kỷ 21 diễn ra những chuyển biến phức tạp và khó lường, trong đó nổi lên là vấn đề an ninh cả ở góc độ truyền thống và phi truyền thống. Theo Giáo sư Xu-chít Bun-bông-can, vấn đề Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và Hoa Đông, hay chính sách chưa rõ ràng và “khó dự đoán” của Mỹ đối với khu vực dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm (Donald Trump) chính là những thách thức đặt ra đối với ASEAN khi bước qua tuổi 50.

Trong bối cảnh đó, để ứng phó hiệu quả và bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu của mình, Đại sứ Cla-rô Xu-a-rết Cri-xtô-ban cho rằng ASEAN cần ưu tiên duy trì sự đoàn kết nội khối. Đó là một môi trường, một bầu không khí mà trong đó 10 quốc gia thành viên cùng hợp tác chặt chẽ với nhau: “Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức và các nước thành viên không thể tự giải quyết một mình. Đó đều là những thách thức lớn, ví dụ như chủ nghĩa khủng bố hay biến đổi khí hậu. Những gì mà Phi-líp-pin hay Việt Nam thực hiện để ứng phó với các thách thức này đều quan trọng, tuy nhiên, chúng ta không thể giải quyết triệt để nếu mạnh ai nấy làm. Những thách thức ấy có liên quan và đòi hỏi sự chung tay của mọi người. ASEAN phải hoạt động trong sự đồng thuận, cùng một chí hướng”. Giám đốc Học viện Ngoại giao Phi-líp-pin còn lưu ý rằng, chính ASEAN mới có quyền tự quyết định “hướng đi và tốc độ hướng đi của mình”. “Người ngoài không thể ép buộc chúng ta phải đi theo hướng nào hay tốc độ đi ra sao”, Đại sứ Cla-rô Xu-a-rết Cri-xtô-ban khẳng định.

Bên cạnh đó, theo học giả người Phi-líp-pin, ASEAN cần đầu tư phát triển con người. Đầu tư vào thế hệ trẻ để các mục tiêu và khát vọng của Cộng đồng ASEAN “sẽ được hiện thực hóa sớm hơn thay vì muộn hơn”. “Phải chuẩn bị hành trang cho họ bằng cách phát triển các kỹ năng và kiến thức công nghệ, đánh giá chất lượng giáo dục tại tất cả 10 nước thành viên, khuyến khích sự sáng tạo và nâng cao trình độ công nghệ cho giới trẻ. Giáo dục không nên chỉ đơn thuần cung cấp thông tin một chiều mà nên hướng nhiều hơn đến tư duy sáng tạo”, Đại sứ Cla-rô Xu-a-rết Cri-xtô-ban nhấn mạnh.

Bài và ảnh: HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thanh-tuu-nhieu-thach-thuc-khong-it-514304