Thành tựu của đất nước, của ngành tư pháp đã được khẳng định

Chiều 26/10, sau khi các đại biểu thảo luận trực tuyến về công tác phòng chống tội phạm, lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan tư pháp đã có phần báo cáo giải trình thêm một số vấn đề mà các đại biểu nêu.

Thành tựu nền tư pháp đã được khẳng định

Phát biểu tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết: Chính phủ đã có nhiều biện pháp và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành nên công tác phòng chống tội phạm đã có những chuyển biến tích cực.

Về việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như nhập cảnh trái phép, nâng khống thiết bị y tế…Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, có nhiều giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm… Đến nay cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, tới đây tình hình dịch bệnh trên thế giới phức tạp sẽ tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế nước ta. Chính phủ quyết tâm phòng ngừa dịch bệnh quay trở lại và phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Quốc hội

Phó Thủ tướng cũng khẳng định sẽ không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tham ô, tham nhũng; sẽ gắn việc này với phòng chống tham nhũng- công tác này hiện nay được thực hiện rất sát sao. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản phòng ngừa, xử lý vi phạm trên quan điểm là xử lý triệt để không có vùng cấm; vi phạm đến đâu xử lý đến đó nhưng vẫn phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đảm bảo cơ chế phòng ngừa và thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, Phó Thủ tưởng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Về thi hành án hành chính, đây là vấn đề dư luận hết sức quan tâm vì liên quan đến ý thức chấp hành của người đại diện cơ quan hành chính.

Chính phủ cũng đã ban hành một số văn bản liên quan về công tác thi hành án hành chính. Tuy nhiên, cũng có vướng mắc hiện này là án hành chính chưa có cơ quan thi hành. Bộ Tư pháp chỉ là cơ quan theo dõi công tác này giúp Chính phủ. Nên Chính phủ đã ban hành các nghị định nhưng việc thực thi vẫn còn hạn chế.

Tới đây có cơ quan cưỡng chế thi hành án thì mọi vướng mắc, chậm trễ mới được tháo gỡ. Dự kiến tới đây đối với những bản án hành chính mà người đại diện/hoặc cơ quan hành chính không thi hành thì sẽ nghiên cứu giao cho cơ quan như Thanh tra Chính phủ hoặc Bộ Nội vụ xem xét xử lý.

Trong phần phát biểu của mình, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn các đại biểu đã đánh giá tốt về nỗ lực của các cơ quan tư pháp trong đó có Tòa án; đồng thời nhấn mạnh, đây phải là xu thế chủ đạo vì chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, uy tín như hiện nay. Không thể từ một vài vụ việc cụ thể mà đánh giá cả một nền tư pháp. Thành tựu của đất nước và thành tựu của ngành tư pháp đã được khẳng định, và chúng ta đang tổng kết việc này.

Chánh án cũng cảm ơn các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn với Tòa án khi giải quyết, thi hành các vụ án/quyết định hành chính.

Về những yêu cầu, câu hỏi của ĐBQH đối với Tòa án đã được trả lời, còn những nội dung chưa có hồ sơ vẫn đang xem xét, cố gắng sẽ trả lời đại biểu sớm nhất.

Về những yêu cầu của ĐB về nâng cao chất lượng xét xử, hướng dẫn pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ,… cũng chính là những nội dung mà nghị quyết của Quốc hội đề ra và Tòa án vẫn đang nỗ lực thực hiện. Còn về một số vụ án cụ thể mà các đại biểu nhắc đến, sẽ cho kiểm tra và có trả lời cụ thể.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cũng giải trình thêm một số vấn đề mà các đại biểu nêu.

Về vụ việc Công ty Thuận Phong –Đồng Nai, Viện trưởng cho biết: Tháng 4/2015, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 đã tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón của Cty Thuận Phong tại địa chỉ khu phố 7, phường Long Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai (khu vực K888) và bắt quả tang hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ “Made in USA”.

Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định không khởi tố vụ án. VKSNDTC thấy rằng có dấu hiệu tội phạm nên đã yêu cầu VKS Đồng Nai hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của Công an tỉnh Đồng Nai.

Công ty Thuận Phong có làm giả phân bón hay không cần có kết luận giám định của các cơ quan chức năng. Ngày 3/4/2020 cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung số 505 trưng cầu giám định theo vụ việc về nhãn hàng hóa. Khi có kết luận giám định bổ sung, VKS sẽ xem xét là có cơ sở hay không để tiếp tục xử lý vụ việc, Viện trưởng cho hay.

Không thể để tình trạng lợi dụng dịch bệnh, thiên tai để trục lợi

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã tóm tắt về các ý kiến mà đại biểu đã phát biểu tại hội trường.

Theo đó, các đại biểu cơ bản tán thành những nội đã nêu trong báo cáo của các cơ quan tư pháp và cho rằng báo cáo đã chuẩn bị nghiêm túc, công phu chất lượng. Trong năm 2020, mặc dù dịch bệnh Covid-19 nhưng Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Các báo cáo về cơ bản đã phản ánh khá đầy đủ các mặt công tác, các chỉ tiêu đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận chiều 26/10

Các đại biểu cũng tán thành với báo cáo của TANDTC, VKSNDTC, Chính phủ. Công tác xét xử án hành chính có những chuyển biến tích cực. Trong kỳ báo cáo chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; các hình phạt nghiêm minh, khắc phục được tình trạng án tuyên không rõ ràng…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng còn bất cập mà các ĐB thảo luận.

Đó là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực còn bất cập. Việc thực hiện các quy định về định mức, chế độ, tiêu chuẩn thanh toán không dùng tiền mặt, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Tình trạng lợi dụng sơ hở của cơ chế, chính sách để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhóm lợi ích, bảo kê vẫn diễn ra. Đã xuất hiện tình trạng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để trục lợi, tham nhũng, gây bức xúc, bất bình trong xã hội. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn một số hạn chế.

Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Năm 2020, tiếp tục xảy ra một số vụ việc tiêu cực ngay trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật và lòng tin của nhân dân…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến đóng góp của ĐBQH để khắc phục những tồn tại hạn chế hiện nay.

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/thanh-tuu-cua-dat-nuoc-cua-nganh-tu-phap-da-duoc-khang-dinh-170199.html