Thanh Trì, Hà Nội: Phó Chủ tịch thị trấn Văn Điển bị 'tố' tổ chức lực lượng để 'cướp' đất của dân?

Đất của người dân đang sử dụng ổn định từ hàng chục năm qua, bỗng một ngày chính quyền địa phương tổ chức lực lượng xuống cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi để đem đấu giá…

Đất sử dụng ổn định hàng chục năm “bỗng” trở thành đất công?

Trong đơn gửi đến Báo Gia đình Việt Nam, ông Lê Ngọc Bích (SN 1953, trú tại số nhà 2, ngõ 338 đường Ngọc Hồi, TDP Chợ, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) trình bày:

Bản thân tôi sinh sống tại mảnh đất này từ năm 1953 trên phần kế thừa từ tổ tiên để lại. Trong quá trình sử dụng, gia đình bỏ rất nhiều công sức tôn tạo, dọn dẹp phần đuôi nhà (đoạn giáp sông Tô Lịch và rộng chừng 70 m2) để trồng cây lâu năm và xây tường phân định đất với nhà hàng xóm (bức tường xây từ khoảng năm 2000).

Vào khoảng năm 2005, chính quyền có tiến hành đo đạc để làm sổ đỏ cho nhà tôi nhưng không đo phần đuôi nhà này vào. Tôi có thắc mắc nhưng đồng chí cán bộ địa chính khi ấy nói rằng phần đuôi nhà sẽ được đo đạc và làm vào đợt sau. Tôi nghĩ đất tổ tiên để lại, mình cũng sống hơn 50 năm ở đây, không làm đợt này thì làm đợt khác cũng chẳng sao nên cũng không thắc mắc nữa.

Đơn tố cáo của ông Bích gửi tới Báo Gia đình Việt Nam.

Từ năm 2005 đến nay, tôi vẫn sử dụng phần đuôi nhà để trồng cây, để các vật dụng và làm hàng rào ngăn trộm đi từ phía sông Tô Lịch lên. Ấy vậy mà năm 2017, chính quyền thị trấn Văn Điển nói rằng, phần đuôi nhà tôi không được đo vẽ trong hồ sơ địa chính, không được cấp sổ đỏ nên là đất công do UBND thị trấn quản lý và yêu cầu gia đình tôi dọn dẹp, chặt cây cối và bàn giao khu đất cho UBND thị trấn bán đấu giá…

Bức xúc trước sự vô lý trên, ông Lê Ngọc Bích chia sẻ: “Gia đình tôi đang sinh sống trên mảnh đất do tổ tiên, phần đuôi nhà giáp sông Tô Lịch trước kia rất bẩn thỉu, ô nhiễm môi trường nên chúng tôi đã cải tạo, dọn dẹp, trồng cây lâu năm và xây tường ngăn với nhà hàng xóm để phân định ranh giới.

Mọi chuyện chẳng có gì xảy ra cho đến một ngày chính quyền tiến hành xây dựng đường gom dân sinh ven sông Tô Lịch, đất nhà tôi tự nhiên được ra mặt đường nên chính quyền cho rằng phần đuôi nhà tôi thuộc đất công do UBND thị trấn quản lý và yêu cầu gia đình tôi chặt cây cối, phá bỏ hàng rào, thu dọn vật dụng, điều này là hết sức phi lý. Rất mong các cơ quan chức năng của từ Huyện đến Thành phố sớm vào cuộc giải quyết cho gia đình tôi”.

Không có quyết định vẫn tổ chức lực lượng cưỡng chế tài sản của dân?

Theo phản ánh của ông Lê Ngọc Bích, sau nhiều lần UBND thị trấn Văn Điển gửi thông báo yêu cầu gia đình tự thu dọn cây cối, hoa màu và vật dụng để trả lại đất cho UBND thị trấn, vì cho rằng đó là đất của gia đình nên lần nào sau khi nhận được thông báo gia đình ông Bích đều có đơn phản đối gửi đến lãnh đạo chính quyền.

Tuy nhiên, gần đây ngày 15/03/2019, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển đã dẫn đầu tổ công tác gồm: Công an, dân phòng, đại diện các đơn vị liên quan đến phá khóa hàng rào, phá hàng rào, chuyển một số vật dụng tại khu đất của gia đình ông lên xe chuyên dụng chở đi.

Trụ sở làm việc của thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội.

Mặc dù, gia đình ông Bích kịch liệt phản đối và yêu cầu tổ công tác đưa ra quyết định cưỡng chế nhưng tổ công tác không đưa ra được. Sau khi, chuyển một số tài sản của gia đình ông Bích đi, tổ công tác đã lập biên bản mà không có chữ ký xác nhận của gia đình.

“Tôi đã yêu cầu tổ công tác xuất trình quyết định cưỡng chế thì mới đồng ý cho cưỡng chế mà họ không đưa được ra nhưng lại ngang nhiên phá hoại, đưa đi nhiều tài sản của gia đình tôi. Tất cả sự việc trên đều được gia đình quay video lại hết để làm bằng chứng, việc làm này tôi cho rằng đó là “cướp” giữa ban ngày”, ông Bích bức xúc nói.

Trước sự việc trên, để thông tin khách quan, phóng viên Báo Gia đình Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển (người trực tiếp dẫn đầu đoàn cưỡng chế).

Lý giải về việc làm nêu trên, ông Thành cho biết: “Chúng tôi khẳng định diện tích đất mà gia đình ông Lê Ngọc Bích đang dựng hàng rào, trồng cây là đất công do UBND thị trấn quản lý. Thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt nhỏ lẻ tại thị trấn đã được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt, chúng tôi đã nhiều lần thông báo cho hộ ông Bích phải dọn dẹp cây cối, trả lại mặt bằng cho thị trấn nhưng hộ ông Bích không chấp hành.

Hành động thu giữ rào chắn và một số vật dụng diễn ra vào ngày 15/3/2019 chỉ là hành vi giải tỏa vi phạm trên đất công chứ không phải là cưỡng chế vì thế không cần có quyết định cưỡng chế”.

Khu đất của gia đình ông Bích sử dụng ổn định hàng chục năm qua khi chưa bị cưỡng chế nhưng do chính quyền làm đường bờ sông nên "bỗng nhiên" diện tích này biến thành đất công do UBND thị trấn quản lý.

Trước sự khẳng định của vị Phó Chủ tịch rằng phần đất do gia đình ông Bích đã sử dụng ổn định hàng chục năm qua là đất công do thị trấn quản lý. Tại buổi làm việc, phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề cơ sở nào để cho rằng đất gia đình ông Bích là đất công, ông Thành nói: “Bản đồ địa chính năm 1994 không thể hiện (qua đo, vẽ) diện tích đất mà hộ ông Bích cho rằng là của gia đình đang sử dụng ổn định, lâu dài. Như vậy, nếu diện tích đất đó không được thể hiện trên bản đồ, chưa được cấp giấy chứng nhận cho ai thì là đất do UBND thị trấn quản lý”.

Khi phóng viên đề nghị được cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc khẳng định trên thì ông Thành từ chối và hẹn bổ sung sau với lý do việc này phản xin ý kiến của Chủ tịch.

Như vậy, việc chỉ căn cứ vào bản đồ địa chính được lập cách đây 25 năm mà lãnh đạo thị trấn Văn Điển khẳng định đó là đất công, rồi tổ chức lực lượng xuống “giải tỏa” và thu giữ tài sản của công dân liệu có đúng các quy định của pháp luật hiện hành? Đề nghị, UBND huyện Thanh Trì vào cuộc kiểm tra làm rõ để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.

Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/thanh-tri-ha-noi-pho-chu-tich-thi-tran-van-dien-bi-to-to-chuc-luc-luong-de-cuop-dat-cua-dan-d142086.html