Thanh tra với doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực nhà nước để phòng, chống tham nhũng

Danh sách doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi, quản lý và công bố trên Cổng thông tin đấu thầu.

Một trong những điểm mới quan trọng của Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi chuẩn bị có hiệu lực thi hành là mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước. Trong đó, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã quy định cụ thể về thanh tra với doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực nhà nước.

Cụ thể, đối tượng thanh tra gồm công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện.

Nội dung thanh tra là việc thực hiện công khai, minh bạch; việc kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý; các nội dung khác về thực hiện quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Đáng quan tâm, căn cứ để ra quyết định thanh tra là có dấu hiệu thực hiện không đúng quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, bao gồm: không ban hành quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp theo quy định; có thực hiện nhưng không kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định; Yêu cầu của việc giải quyết phản ánh, tố cáo về hành vi vi phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Theo Dự thảo, trình tự, thủ tục, thời hạn tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Kết luận thanh tra PCTN với khu vực ngoài nhà nước phải có các nội dung sau: Kết luận về các nội dung được thanh tra; Kết luận về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức được thanh tra trong tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo các mức độ: thiếu trách nhiệm trong quản lý; yếu kém về năng lực quản lý;

Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức được thanh tra thực hiện các biện pháp để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và xử lý hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý doanh nghiệp, tổ chức đối với việc vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Kết luận thanh tra phải được công khai theo quy định. Danh sách doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi, quản lý và công bố trên Cổng thông tin đấu thầu.

Danh sách tổ chức vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp, theo dõi, quản lý.

Trong trường hợp hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng có dấu hiệu tội phạm thì người ra quyết định thanh tra phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định của pháp luật.

Để tránh việc chồng chéo, trùng lắp trong thanh tra, trước khi ra quyết định thanh tra đối với doanh nghiệp, tổ chức, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh có trách nhiệm thông báo cho Thanh tra Chính phủ để điều phối, tránh chồng chéo, trùng lắp.

Còn trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa thanh tra các bộ, giữa Thanh tra bộ với Thanh tra tỉnh thì các cơ quan thanh tra có trách nhiệm phối hợp, trao đổi, thống nhất hướng xử lý./.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thanh-tra-voi-doanh-nghiep-to-chuc-ngoai-khu-vuc-nha-nuoc-de-phong-chong-tham-nhung-142238.html