Thanh tra tỉnh Kiên Giang: Điểm sáng về xử lý sau thanh tra

Một khối lượng lớn kết luận thanh tra đã được lãnh đạo Thanh tra tỉnh Kiên Giang xử lý dứt điểm, với tiêu chí khả thi, có lý, có tình đã giúp thu hồi được tài sản cho Nhà nước, đối tượng thanh tra tâm phục khẩu phục, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.

Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang Phạm Hoàng Nam làm việc với lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thuận về công tác xử lý sau thanh tra. Ảnh: BD

Trọng tâm, trọng điểm

Không nói nhiều về số liệu, Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang Phạm Hoàng Nam cho rằng, điều quan trọng là thanh tra cần có trọng tâm, trọng điểm, đúng chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, phù hợp hiện trạng phát triển của các huyện thị, bám sát hoạt động của các sở, ngành. Đó là quản lý, sử dụng đất, đầu tư, xây dựng, tài chính ngân hàng, thanh tra trách nhiệm tuân thủ quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Khi đã xác định được trọng tâm công việc, quá trình thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất đều được Thanh tra tỉnh Kiên Giang bố trí nhân sự phù hợp để bảo đảm chất lượng, tiến độ thanh tra.

Chấp hành chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về thanh tra đột xuất hoạt động của các công ty cổ phần, hợp tác xã… Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra linh hoạt, phù hợp. Sau thanh tra với nhiều kết luận chất lượng cao, hồ sơ đầy đủ, đã có 172 kiến nghị về chấn chỉnh, khắc phục sai sót, tồn đọng về quản lý sử dụng đất, đầu tư, xây dựng… Từ kiến nghị của Thanh tra tỉnh Kiên Giang, chỉ trong năm 2018 đã có 84 tập thể bị kiểm điểm, 32 cá nhân bị kỷ luật. Đặc biệt là Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã chủ động chuyển hồ sơ 3 vụ việc vi phạm pháp luật sang Cơ quan Điều tra là: Sai phạm trong xây dựng Khu Trung tâm hành chính huyện U Minh Thượng; vi phạm pháp luật về bồi thường hỗ trợ, tái định cư tại Dự án Khu phức hợp Vịnh Đầm, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc; vụ cố ý làm trái các quy định Nhà nước tại Ban Bồi thường hỗ trợ, tái định cư huyện Phú Quốc.

Từ hoạt động thanh tra, nhiều tài sản nhà đất, kinh phí sai phạm đã được Thanh tra tỉnh Kiên Giang chủ động yêu cầu đối tượng thanh tra nộp vào tài khoản tạm giữ. Quan điểm nhất quán là, phát hiện sai phạm đến đâu thì quyết tâm xử lý kịp thời, không để tình trạng sai phạm trong kiến nghị xử lý không tương xứng với mức độ, hành vi sai phạm. Mục tiêu của ngành Thanh tra tỉnh Kiên Giang là phải thu hồi dứt điểm số tiền sai phạm, tài sản sai phạm, không để kéo dài, kể cả quyết định xử lý sau thanh tra từ năm 2017 trở về trước.

Ngoài ra, theo định hướng của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang, cũng như đối chiếu với thực tiễn, kế hoạch thanh tra năm 2019 không trùng lắp, chồng chéo với hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước khác, bảo đảm sự thống nhất và liên thông giữa tất cả các chủ thể có liên quan đến nội dung thanh tra.

Xử lý sai phạm, không có vùng cấm

Khu vực Tứ giác Long Xuyên nhiều năm qua là điểm nóng khi công dân liên tục khiếu nại về sai phạm trong quản lý đất nông lâm trường. Sau khi hỗ trợ địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang giải quyết theo thẩm quyền. Thực hiện nghiêm chỉ đạo này, ngày 3/2/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn đã giao Thanh tra tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng UBND huyện Hòn Đất thanh tra công tác quản lý sử dụng đất tại Nông trường Bình Sơn. Kết quả thanh tra cho thấy trách nhiệm quản lý Nhà nước đã bị buông lỏng qua nhiều thời kỳ, nên phát sinh sai phạm trong sử dụng đất, gây ra bức xúc, khiếu kiện của nhân dân. Từ kết quả này, Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi sai phạm đúng quy định, đúng mức độ với tinh thần không có vùng cấm.

Từ những phản ánh của báo chí, khiếu nại của công dân về tranh chấp đất rừng phòng hộ tại huyện Phú Quốc đối với hơn 4.600ha đất rừng đã được đưa ra khỏi lâm phần giai đoạn 2012 - 2013, sau khi Thủ tướng có Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010, trên cơ sở thống nhất ý kiến của Thường trực UBND tỉnh Kiên Giang, từ ngày 10/5/2017, Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã tiến hành thanh tra nội dung này.

Thời gian chỉ với 45 ngày, phạm vi thanh tra rộng, khối lượng công việc nhiều nhưng Đoàn Thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền được giao.

Kết luận thanh tra số 06/KL-TTr đã chấn chỉnh nhiệm vụ quản lý Nhà nước của lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc. Ảnh: BD

Ngày 13/9/2017, Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã ký Kết luận thanh tra số 06/KL-TTr với nội dung làm rõ hàng loạt vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý hơn 4.600ha đất rừng phòng hộ sau khi giao về cho các xã, thị trấn của huyện Phú Quốc quản lý để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế biển đảo. Trách nhiệm quản lý Nhà nước của nhiều đơn vị để xảy ra sai phạm như Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Phú Quốc, Ban Quản lý rừng phòng hộ, UBND các xã, thị trấn, cùng nhiều cá nhân có liên quan… được Thanh tra tỉnh Kiên Giang xác định “đúng tội, đúng hành vi”.

Có một sự thật cần được nhìn nhận đúng về cuộc thanh tra này đó là Đoàn Thanh tra do Phó Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang Trần Minh Thể làm Trưởng đoàn, đã chủ động vượt qua nhiều sức ép vì lịch sử biến động đất rừng tại Phú Quốc vô cùng phức tạp, giá đất bị thổi lên cao ngất ngưởng, nhiều chủ đầu tư đã được cấp đất thực hiện dự án du lịch biển trong khi công dân tiếp khiếu dữ dội đòi giá bồi thường phù hợp. Kết luận thanh tra số 06/KL-TTr đã chấn chỉnh đáng kể trách nhiệm quản lý Nhà nước của lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc, cùng nhiều cơ quan khác. Nhiều diện tích đất còn rừng đã được bảo vệ kịp thời để hạn chế tình trạng bao chiếm, đốt phá hàng trăm ha đất của Nhà nước quản lý đã được phân định rõ về pháp lý để chống thất thoát tài sản khi cơ chế giao đất, cấp giấy phép tại huyện đảo Phú Quốc vẫn còn bất cập, thậm chí là trái thẩm quyền.

Điều quan trọng nhất là sau kết luận này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang đã vào cuộc. Kết quả là ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc đã bị xử lý kỷ luật về trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai phạm; ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cũng phải nhận mức kỷ luật phù hợp. Điều đáng mừng hơn là cán bộ lãnh đạo sai phạm đã phải ra đi, nhường chỗ cho những gương mặt mới để có thể tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển bền vững huyện đảo Phú Quốc, với tinh thần bền vững hơn, đúng pháp luật hơn, gần dân hơn.

Trong thực tế, đến thời điểm này, hầu hết các kiến nghị của Kết luận thanh tra số 06/KL-TTr đã và đang được các đối tượng thanh tra thực hiện một cách nghiêm túc. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến đất rừng phòng hộ đã được Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh, xem xét một cách đầy đủ. Các hành vi vi phạm pháp luật như tự ý bao chiếm, xây dựng nhà không phép trên đất rừng, đất Nhà nước quản lý cũng được quyết tâm xử lý.

Quan trọng hơn cả, Kết luận thanh tra số 06/KL-TTr trở thành một trong các nguồn tài liệu quý để Thanh tra Chính phủ hoàn thành tốt nhất kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất, xây dựng, môi trường tại tỉnh Kiên Giang, trong đó có hiện trạng quản lý đất rừng, đất nông nghiệp tại huyện đảo Phú Quốc đúng tiến độ, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bao Dung

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/thanh-tra-tinh-kien-giang-diem-sang-ve-xu-ly-sau-thanh-tra_t114c1059n141523