Thanh tra pháp luật XKLĐ: Xử phạt gần 4 tỉ đồng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: Từ năm 2007 đến nay, Bộ đã tiến hành gần 400 cuộc thanh tra, kiểm tra và đưa ra gần 3.000 kiến nghị đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (DN XKLĐ) nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh các DN hoạt động theo đúng quy định của pháp luật về đưa lao động (LĐ) đi làm việc ở nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp, qua thanh, kiểm tra, đã có 107 DN có vi phạm trong lĩnh vực đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài bị phát hiện và xử lý với tổng cộng 306 hành vi vi phạm, trong đó có 151 lỗi bị xử phạt vi phạm hành chính.

Thanh tra Lao động góp phần tạo điều kiện để NLĐ được an toàn hơn. (Ảnh minh họa)

Thanh tra Lao động góp phần tạo điều kiện để NLĐ được an toàn hơn. (Ảnh minh họa)

Các vi phạm này tập trung vào việc thực hiện quy định về đăng ký hợp đồng, công tác báo cáo; công tác tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng; bồi dưỡng kiến thức cần thiết; tổ chức đưa đi và thu phí không đúng quy định. Tổng số tiền xử phạt hành chính đối với các DN vi phạm là gần 4 tỉ đồng..

Qua công tác thanh, kiểm tra đã phát hiện vẫn còn tình trạng các DN dịch vụ thu phí của người LĐ cao hơn mức quy định của pháp luật; thành lập (cho phép) nhiều đầu mối thực hiện hoạt động tuyển chọn, đào tạo; chưa thực hiện đúng cam kết với người LĐ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, công tác thanh, kiểm tra thời gian qua còn gặp khó khăn do một số nguyên nhân, như: Chưa bao phủ hết các DN do hạn chế về số lượng cán bộ nghiệp vụ thanh tra; mức phạt cho các hành vi vi phạm theo Nghị định 95/NĐ - CP đã tăng nhiều, nhưng vẫn chưa đủ tính răn đe đối với DN; một số hành vi vi phạm nhưng chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nên thiếu căn cứ để xử lý; còn có những quy định của pháp luật chưa đồng bộ, nên chưa điều chỉnh hết các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn và còn có sự xung đột pháp luật giữa nước tiếp nhận với quy định của Việt Nam.

Riêng đối với tình trạng các tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động, đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công an và các cấp chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, đẩy mạnh công tác thông tin về xuất khẩu lao động để người LĐ nắm được, tránh bị lừa đảo.

B.D

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thanh-tra-phap-luat-xkld-xu-phat-gan-4-ti-dong-49949.html