Thanh tra nhận hối lộ - Công tác cán bộ 'có vấn đề'

Nhiều bạn đọc cho rằng việc thành viên đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị bắt quả tang nhận hối lộ tại H.Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cho thấy công tác bố trí cán bộ 'có vấn đề'.

Trụ sở UBND H.Vĩnh Tường, nơi bắt quả tang các cán bộ nhận hối lộ - Ảnh: Lê Quân

Tính đến thời điểm này, các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng về tội nhận hối lộ, gồm: Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng tại H.Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); Đặng Hải Anh và Nguyễn Thùy Linh (đều là thành viên đoàn thanh tra).

Tuy nhiên, thông tin 2 bị can Nguyễn Thùy Linh và Đặng Hải Anh không phải là công chức thuộc Bộ Xây dựng nhưng vẫn được chánh thanh tra bộ này đưa vào danh sách đoàn thanh tra tại H.Vĩnh Tường khiến nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên không khỏi ngạc nhiên.

“Thật không thể lý giải !”

BĐ Quang Vinh (Khánh Hòa) đặt vấn đề: “Nếu không phải công chức thì không thể thi hành công vụ; luật Cán bộ, công chức ghi rất rõ. Không hiểu sao lại lọt 2 người này vào đoàn thanh tra?”. Từ đó, BĐ Thanh Tâm (Hà Nội) nêu: Việc bổ nhiệm 2 người này là thanh tra viên liệu có đúng luật? “Thật không thể lý giải nổi. Không lẽ ở đây muốn đưa ai làm việc gì, ở bộ phận nào cũng được hay sao?”, BĐ Đặng Hạnh Phúc (Hà Nội) thắc mắc.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh bị khởi tố về tội nhận hối lộ - Ảnh: Cổng thông tin H.VĨNH Tường

BĐ Tống Sơn (TP.HCM) lại cho rằng, công chức hay không phải công chức thực ra không phải là vấn đề quá quan trọng, quan trọng là năng lực và đạo đức của người thi hành công vụ. “Những người do Thanh tra Bộ Xây dựng cử đi thanh tra lại ăn hối lộ, có đáng xấu hổ không?”, BĐ này viết.

Truy đến cùng trách nhiệm

“Trời ơi tin được không (?!). Xin Bộ trưởng có câu trả lời cho các doanh nghiệp Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung”.

Kim Jun Choay (Kiên Giang)

“Người đứng đầu ngành thanh tra Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng người không đúng với quy định của pháp luật”.

Vũ Ngọc An (Nam Định)

Theo BĐ Nguyễn Tiên Phong (TP.HCM), cốt lõi của vụ việc nói trên được quy về khâu “công tác cán bộ” và đề xuất “cần thanh tra toàn diện công tác cán bộ và bổ nhiệm cán bộ thuộc Bộ Xây dựng trong nhiều năm qua nhằm chấn chỉnh, loại bỏ những cán bộ, công chức không đủ năng lực, đạo đức ra khỏi bộ máy quản lý”.

Trong khi đó, BĐ Nguyễn Hồng Linh (Hà Nội) cho rằng cần xử lý “việc nào ra việc nấy”. Chánh thanh tra Bộ Xây dựng ra quyết định lập đoàn thanh tra không đúng luật Thanh tra thì xử lý theo luật Thanh tra. Đối với việc nhận hối lộ thì xem xét ở các góc độ: Cả đoàn có bàn bạc trước không? Nếu không bàn trước, tức là không có tổ chức, thì ai nhận hối lộ người đó chịu trách nhiệm theo bộ luật Hình sự.

Đồng quan điểm, BĐ Vũ Ngọc An (Nam Định) cho rằng “luật pháp cần phải rõ ràng và phải xử lý thật nghiêm minh; cấm mọi hình thức bao che thì mới bài trừ được tội phạm”. Còn BĐ Phạm Thực (Hà Nội) đề nghị: “Cơ quan chức năng làm đến cùng, không để người dân thất vọng”.

Không còn hồ sơ cung cấp cho đoàn thanh tra mới ?

Mới đây, Bộ Xây dựng đã cử một đoàn thanh tra mới với 13 thành viên đến H.Vĩnh Tường để tiếp tục công tác thanh tra sau khi đoàn thanh tra do bà Nguyễn Thị Kim Anh làm trưởng đoàn bị bắt quả tang nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng. Ông Vũ Đức Kim, Chánh văn phòng UBND H.Vĩnh Tường, cho rằng hiện một số hồ sơ tài liệu của 29 xã đã bị niêm phong, chuyển cho Công an tỉnh Vĩnh Phúc lưu giữ, không rõ có còn hồ sơ tài liệu cung cấp cho đoàn thanh tra mới. Về việc này, BĐ Tuyết Nhung (Hà Nội) cho rằng mỗi một dự án đều có 7 bộ hồ sơ đầy đủ. Trong đó có một bộ hồ sơ gốc đóng dấu (mộc) do chủ đầu tư niêm phong lưu giữ nghiêm ngặt. Việc mở niêm phong bộ hồ sơ này chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì thế, không có chuyện không có hồ sơ cung cấp.

Tường Vy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/thanh-tra-nhan-hoi-lo-cong-tac-can-bo-co-van-de-1094957.html