Thanh tra ngành Công Thương: Tập trung lĩnh vực trọng điểm

Thời gian qua, công tác thanh tra ngành Công Thương được thực hiện theo đúng định hướng đề ra, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Chủ động, kịp thời

Theo ông Đỗ Anh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp và Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Bộ Công Thương), 11 tháng năm 2019, Thanh tra Bộ Công Thương đã tiến hành 5 cuộc thanh tra kiểm tra hành chính, 2 cuộc thanh tra về phòng, chống tham nhũng, 318 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, xử lý số tiền 30 tỷ đồng và 5.698 ha đất. Đối tượng thanh tra, kiểm tra gồm 40 doanh nghiệp hóa chất, 1 doanh nghiệp ngành dầu khí, 8 doanh nghiệp ngành điện lực… Các hoạt động thanh tra, kiểm tra đã góp phần quan trọng, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại; phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh nhiều vi phạm; đóng góp tích cực vào việc xử lý, khắc phục hậu quả của các sai phạm.

Công tác thanh tra, kiểm tra đạt được những kết quả đáng ghi nhận

Công tác thanh tra, kiểm tra đạt được những kết quả đáng ghi nhận

Đáng chú ý, trong công tác kiểm tra, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là 2 đơn vị đi đầu trong kiểm tra hàng nhập lậu, hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý… Tính đến hết quý III/2019, 2 đơn vị trên đã tiến hành kiểm tra 12.697 cuộc, xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách 193 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hóa chất, Thanh tra Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra 40 doanh nghiệp, phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót, vi phạm và qua đó, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.070 triệu đồng. Về điều kiện kinh doanh khí, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 160 triệu đồng.

Ông Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương - thông tin thêm, lực lượng Thanh tra đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân và thực hiện tiếp công dân theo quy định.

Tiếp tục bám sát chỉ đạo

Dù công tác thanh tra, kiểm tra đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn tồn tại hạn chế: Một số cuộc thanh tra chậm hơn so với kế hoạch; thời gian xây dựng báo cáo, kết luận còn chậm; chất lượng thanh tra chưa cao, biện pháp xử lý chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, công tác đôn đốc, xử lý có nhiều tiến bộ, tích cực cả về phương pháp, cách thức nhưng tỷ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản chưa đạt yêu cầu đề ra...Đánh giá cao những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng yêu cầu: Thanh tra ngành Công Thương cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương, yêu cầu quản lý của các đơn vị, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của ngành Công Thương nói riêng. Cụ thể, đẩy mạnh thanh tra kinh tế - xã hội nhằm phát hiện xử lý, ngăn ngừa các vi phạm, chống thất thoát ngân sách, tài sản và nguồn lực nhân lực; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về các lĩnh vực hóa chất, dầu khí, điện lực, các hoạt động thương mại… Đặc biệt, cần đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra chuyên đề, xử lý kịp thời các chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An:

Công tác phòng, chống tham nhũng rất quan trọng và phức tạp, đòi hỏi Thanh tra Bộ Công Thương phải có bản lĩnh vững vàng, giải pháp đồng bộ, tiến hành quyết liệt hơn nhằm tạo chuyển biến rõ rệt.

Thanh Huyền

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-tra-nganh-cong-thuong-tap-trung-linh-vuc-trong-diem-129011.html