Thanh tra là để trị bệnh cứu người

Sinh năm 1917, đồng chí Nguyễn Văn Trân từng giữ chức Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội, Tổng Thanh tra Chính phủ rồi Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện trong Chính phủ Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Văn Trân. Ảnh: VTC.VN

Năm 1951, đồng chí về công tác ở Ban Thanh tra Chính phủ với cương vị là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, lúc đó, cụ Hồ Tùng Mậu là Tổng Thanh tra Chính phủ. Nhiệm vụ của Ban Thanh tra Chính phủ lúc bấy giờ là tuyên truyền phổ biến các chính sách của Chính phủ để động viên nhân dân hăng hái thi đua sản xuất, đóng góp cho bộ đội kháng chiến; xem xét những sai sót của cơ quan và cán bộ thi hành các chính sách, đúng thì khen thưởng, thiếu sót thì phê bình kỷ luật, trên tinh thần “trị bệnh cứu người”.

Mặc dù thời gian làm công tác trong ngành Thanh tra không nhiều nhưng trong nhiệm kỳ làm Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí Nguyễn Văn Trân đã có nhiều đóng góp cho ngành Thanh tra Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Trân, kết quả các cuộc thanh tra, kiểm tra đã mang lại niềm tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trong thời gian tháng 7 đến tháng 9/1951, Ban Thanh tra Chính phủ phối hợp và chỉ đạo Ban Thanh tra Bộ Tài chính tiến hành tổng kiểm soát, kiểm tra các chi nhánh và chi điểm tín dụng sản xuất ở Liên khu III. Kết quả đã giúp các chi nhánh và chi điểm tín dụng sản xuất thực hiện đúng chế độ, sổ sách giấy tờ, phát hiện những sai sót khác trong quá trình thu chi, trong đó một số cán bộ, nhân viên lợi dụng sơ hở trong quản lý để biển thủ công quỹ…

Công tác thanh tra trong thời kỳ này không những xem xét việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, giải quyết đơn thư, khiếu tố của nhân dân… mà còn thanh tra để tìm ra sự thật và minh oan cho những người vô tội. Kết quả thanh tra càng chứng tỏ lòng tin của Đảng và Chính phủ vào công tác cán bộ, quần chúng và ngược lại càng làm cho quần chúng tin tưởng vào sự sáng suốt của Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan Thanh tra.

Trong năm 1952, các Đoàn kiểm tra, thanh tra của Ban Thanh tra Chính phủ đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra. Vào tháng 3/1952, Đoàn kiểm tra, thanh tra của Ban Thanh tra Chính phủ đã về điều tra vụ tham ô công quỹ ở công trình kiến trúc giao thông Liên khu III theo đơn thư, tố giác của một số cán bộ, công nhân công trường. Kết quả của cuộc thanh tra đã để lại tiếng vang lớn trong nhân dân, thắt chặt thêm đoàn kết nội bộ và làm cho cán bộ công nhân viên ở đây hết sức phấn khởi…

Tháng 5/1952, qua kiểm tra tại xã Toàn Thắng huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, Đoàn kiểm tra của Ban Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra đã truy tố 2 người trước pháp luật và trả lại cho dân khoảng 2.800 kg thóc bị lạm thu.

Từ tháng 6-9/1952, Ban Thanh tra Chính phủ đã cử nhiều đoàn kiểm tra đi hầu hết các tỉnh Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV để kiểm tra tình hình quản lý tài chính của các cấp, ngành. Qua đó đã giúp các địa phương, các ngành nhận thức đúng về sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác này. Đồng thời phát hiện các cấp, các ngành lập nhiều kho quỹ riêng…

Tháng 10/1952, Đoàn kiểm tra của Ban Thanh tra Chính phủ đã đi kiểm tra một số kho tàng thuộc Liên khu III, giúp các cấp chính quyền đề ra các biện pháp sửa chữa thiếu sót, tăng cường công tác bảo vệ, quản lý các kho tàng…

Trong năm 1953, Ban Thanh tra Chính phủ đã thành lập một số đoàn đi kiểm tra việc thực hiện chính sách giảm tô ở một số địa phương thuộc Liên khu IV. Qua đó, giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chính sách giảm tô gắn liền với chính sách đoàn kết nhân dân, củng cố lực lượng quần chúng.

Thời điểm này, ở các tỉnh khu V và Nam Bộ, công tác thanh tra chủ yếu do lực lượng thanh tra quân đội đảm nhiệm. Nhiều cuộc thanh tra quân đội đã góp phần tích cực vào công tác lãnh đạo và chỉ huy kháng chiến của Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng chỉ huy…

Có thể nói, trong thời gian làm công tác thanh tra, cũng như ở những cương vị khác, Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Trân luôn đi sâu, đi sát đời sống của dân, tìm lời giải đáp từ thực tiễn và tự nghiên cứu viết tổng kết đề xuất những phương thức và biện pháp rất logic, sáng tạo… Dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình của đất nước.

Năm 2014, trong một lần trò chuyện với phóng viên Báo Thanh tra nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Trân chia sẻ, dù thời gian làm công tác trong ngành Thanh tra ngắn, nhưng đó là thời gian khá đặc biệt đối với ông. “Cho đến tận giờ tôi vẫn còn nhớ như in lời dạy của Bác Hồ “Thanh tra trị bệnh cứu người, chứ không chỉ lo bắt tội ai”. Tôi tin, trong những năm tới, ngành Thanh tra sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động tốt giúp Đảng, Chính phủ và Nhà nước xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn”.

PV

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/thanh-tra-la-de-tri-benh-cuu-nguoi_t238c1059n142468