Thanh tra, kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường không cần thông báo

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có nhiều điểm mới, mang tính đột phá như thanh tra, kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường không cần thông báo, công bố trước để bảo đảm tính hiệu quả.

Trong phiên họp sáng 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra Dự án luật này.

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 186 điều, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định như thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về BVMT.

Về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực BVMT (tại các Điều 174 và 175) đã có nhiều điểm mới, mang tính đột phá như thanh tra, kiểm tra đột xuất về BVMT không cần thông báo, công bố trước để bảo đảm tính hiệu quả.

Bên cạnh đó, Dự thảo luật cũng quy định thời hiệu xử phạt là 5 năm để phù hợp với tính chất các vi phạm về môi trường; quy định các tổ chức, cá nhân quản lý khu công cộng được “phạt” theo nội quy, quy chế về BVMT của khu công cộng để đạt được mục đích giáo dục, răn đe.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Dự thảo Luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày.

Dự thảo luật còn tích hợp 6 loại giấy phép có liên quan vào 1 giấy phép môi trường để cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; gắn thủ tục đánh giá tác động môi trường, cấp phép với trình tự thực hiện dự án đầu tư để tạo sự thống nhất, đồng bộ; Đổi mới phương thức quản lý chất thải, coi chất thải là tài nguyên để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn…

Trình bày báo cáo thẩm tra về Dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhận định, về Quỹ BVMT (Điều 165), một số ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn về nguyên tắc huy động, sử dụng quỹ, nội dung chi của quỹ theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch.

Ủy ban KH,CN&MT đồng tình việc bổ sung quy định trong dự thảo Luật về NSNN cho BVMT và quy định mục chi sự nghiệp BVMT có tính chất đầu tư; nhất trí tăng chi NSNN cho BVMT nhằm đáp ứng các yêu cầu về BVMT và khẳng định vai trò BVMT là một trong ba trụ cột chủ yếu, đó là Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Tuy nhiên việc đề xuất mức chi 2% tổng chi NSNN cho BVMT, cần giải trình và đánh giá thêm để Quốc hội có căn cứ xem xét.

Bên cạnh đó, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về sự cố môi trường theo 4 mức độ: mức độ thấp, trung bình, cao và mức độ thảm họa; trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường giữa Bộ TN&MT với các bộ khác.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/thanh-tra-kiem-tra-dot-xuat-ve-bao-ve-moi-truong-khong-can-thong-bao/855181.antd