Thanh tra đột xuất nhằm ngăn chặn kịp thời vi phạm pháp luật về lao động

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc phối hợp thanh tra an toàn vệ sinh lao động vào ban đêm và ngoài giờ hành chính nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động.

Theo thống kê của Cục An toàn Lao động (Bộ LĐ-TB&XH), thời gian qua, công tác quản lý về an toàn lao động dù đã được tăng cường, các đơn vị sử dụng lao động cũng nâng cao ý thức trong đảm bảo an toàn cho người lao động nhưng số vụ tai nạn lao động vẫn ở mức cao, đặc biệt nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ hành chính.

Nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn lao động là do sự chủ quan của người sử dụng lao động, như: không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động...

Một nguyên nhân khác là do cơ quan quản lý Nhà nước còn chậm trễ trong việc thống kê, báo cáo số vụ tai nạn lao động, đặc biệt là khu vực không có hợp đồng lao động, cũng như công tác thanh tra, kiểm tra không thường xuyên và đúng trọng điểm, xử lý vi phạm còn chậm, ít truy cứu trách nhiệm hình sự với những vụ nghiêm trọng nên chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa nguy cơ vi phạm dẫn tới tai nạn.

Để đảm bảo hành vi vi phạm pháp luật về lao động được ngăn chặn và xử lý kịp thời, đồng thời đảm bảo hiệu lực và hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn vệ sinh lao động vào ban đêm và ngoài giờ hành chính Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.

Theo đó, trình tự thanh tra lao động, an toàn vệ sinh lao động đột xuất tại nơi làm việc xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính được thực hiện như sau:

Trong thời gian tối đa 4 giờ kể từ khi có cơ sở cho rằng thông tin, tài liệu có liên quan tới các vụ xâm phạm quyền của người lao động hoặc không bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH hoặc Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nơi xảy ra vụ việc thông báo bằng một trong các hình thức e mail, điện thoại fax đến đơn vị làm đầu mối tại các cơ quan chức năng có liên quan, cơ quan công an và chính quyền địa phương (nếu cần thiết) để xác nhận việc tham gia đoàn thanh tra.

Với các cơ quan tại địa phương, khi tiếp thông tin tiếp nhận về vụ việc hoặc khi nhận được chỉ đạo của chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thì bằng cách nhanh nhất, giám đốc sở lao động, thương binh và xã hội phải thông báo đến các cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương, cơ quan công an và chính quyền địa phương (nếu cần thiết) trên địa bàn tỉnh. Cơ quan được thông báo cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra và phối hợp giải quyết vụ việc…

Thông tư 20/2018/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01-01-2019.

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/thanh-tra-dot-xuat-nham-ngan-chan-kip-thoi-vi-pham-phap-luat-ve-lao-dong/792529.antd