Thanh tra Chính phủ đăng cai tổ chức các hoạt động của ASEAN-PAC

Năm 2020, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN thì đồng thời Thanh tra Chính phủ (TTCP) cũng sẽ là Chủ tịch ASEAN-PAC. Trong khuôn khổ này, TTCP sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN-PAC lần thứ 16 và dự kiến phối hợp với Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức một hội thảo tập huấn bên lề Hội nghị (năm 2020); đồng thời, sau đó, TTCP sẽ điều hành, điều phối các hoạt động hợp tác của Nhóm và đăng cai tổ chức Cuộc họp Ban Thư ký lần thứ 17 (năm 2021).

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (thứ 5 từ phải sang), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (thứ 4 từ phải sang) tham dự Hội nghị lần thứ 10 về Sáng kiến PCTN khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: PV

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (thứ 5 từ phải sang), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (thứ 4 từ phải sang) tham dự Hội nghị lần thứ 10 về Sáng kiến PCTN khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: PV

Tháng 12/2004, các cơ quan phòng, chống tham nhũng (PCTN) của 4 nước: Bru-nây Đa-ru-xa-lam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po ký Bản Ghi nhớ hợp tác đa phương về PCTN giữa các cơ quan chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu chính của Bản ghi nhớ là thiết lập và củng cố các nỗ lực phối hợp chống tham nhũng giữa cơ quan PCTN thành viên; tăng cường năng lực và xây dựng thể chế của các cơ quan thành viên.

Các lĩnh vực hợp tác trong Bản ghi nhớ bao gồm: Trao đổi, chia sẻ thông tin về các biện pháp PCTN; tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo, trao đổi chuyên gia và nguồn nhân lực về PCTN; đăng cai và tham gia vào các diễn đàn, hội thảo, hội nghị về PCTN; và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật (không bao gồm tương trợ tư pháp).

Tháng 9/2007, TTCP Việt Nam (cùng với các cơ quan PCTN của Cam-pu-chia, Phi-líp-pin và Thái Lan) ký gia nhập và trở thành thành viên chính thức của Bản ghi nhớ.

Tháng 8/2008, các thành viên nhất trí tên gọi chính thức của nhóm các cơ quan tham gia Bản ghi nhớ là “Nhóm Các cơ quan chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á” - (tiếng Anh viết tắt là SEA-PAC).

Sau khi TTCP Lào và Ủy ban Chống tham nhũng My-an-ma gia nhập (năm 2010 và 2013), SEA-PAC hiện đã bao gồm 10 thành viên, là các cơ quan có chức năng PCTN của 10 quốc gia ASEAN.

Tháng 2/2017, SEA-PAC chính thức trở thành thực thể liên kết với ASEAN, mở ra nhiều cơ hội và thuận lợi hơn cho hợp tác giữa các cơ quan thành viên của SEA-PAC.

Theo thỏa thuận, các cơ quan thành viên sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch SEA-PAC theo cơ chế luân phiên hàng năm. Cơ quan Chủ tịch có nhiệm vụ tổ chức 1 Hội nghị cấp cao và 1 Cuộc họp Ban Thư ký vào năm tiếp theo của năm tổ chức hội nghị cấp cao. Hội nghị cấp cao có sự tham dự của những người đứng đầu các cơ quan thành viên, là dịp để thông tin về kết quả công tác PCTN; cập nhật, chia sẻ thông tin về những tiến triển đã đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch công tác của Nhóm và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo. Cuộc họp Ban Thư ký là cuộc họp cấp kỹ thuật nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị cấp cao.

TTCP Việt Nam đảm trách vai trò Chủ tịch SEA-PAC lần đầu tiên vào năm 2009, đã tổ chức thành công Hội nghị SEA-PAC lần thứ 5 trong năm 2009 và Cuộc họp Ban Thư ký SEA-PAC lần thứ 6 vào năm 2010.

Quá trình tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động hợp tác cho thấy SEA-PAC là một diễn đàn quan trọng và có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có chức năng PCTN của các nước trong khu vực trao đổi, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị để từ đó thực hiện tốt hơn nữa chức năng của mình, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN.

Tại Hội nghị SEA-PAC lần thứ 15 diễn ra vào ngày 9-10/10/2019, các đại biểu tham gia thảo luận về đề xuất đổi tên gọi của Nhóm (tức đổi tên “SEA-PAC”) theo hướng tên gọi có từ “ASEAN” do Nhóm đã trở thành thực thể liên kết với ASEAN (vào ngày 8/2/2017).

Quá trình thảo luận về việc đổi tên này bắt đầu từ Hội nghị SEA-PAC lần thứ 14 (tháng 11/2018 tại Xin-ga-po), tiếp tục tại Cuộc họp Ban Thư ký SEA-PAC lần thứ 15 (tháng 7/2019 tại Xin-ga-po). Và tại Hội nghị lần này, qua thảo luận cho thấy, đa số các thành viên đều thống nhất quan điểm: việc đổi tên Nhóm theo hướng có từ “ASEAN” trong tên gọi sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho hoạt động của Nhóm. Tất cả các thành viên lựa chọn và biểu quyết thông qua phương án ASEAN-PAC. Như vậy, kể từ thời điểm này, Nhóm chính thức có tên gọi mới là ASEAN-PAC.

Dưới đây là một số thông tin chính về Hội nghị Cấp cao ASEAN-PAC lần thứ 16 và dự kiến phối hợp với UNODC tổ chức một hội thảo tập huấn bên lề Hội nghị (năm 2020):

Dự kiến chủ đề chính của Hội nghị là: “Thúc đẩy quản trị tốt góp phần PCTN hiệu quả” (tiếng Anh: “Better Governance, Less Corruption”). Việc lựa chọn chủ đề này phù hợp với bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh PCTN một cách toàn diện và thực chất hơn, đặc biệt là đối với Việt Nam khi Luật PCTN mới có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019 với nhiều nội dung mới và phương pháp tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế. Hy vọng với chủ đề này, Hội nghị sẽ là cơ hội tốt để TTCP và các cơ quan hữu quan của Việt Nam chia sẻ, trao đổi và học tập kinh nghiệm, bài học thực tiễn tốt của các quốc gia trong khu vực về PCTN.

Dự kiến Chương trình chính của Hội nghị: Ngoài các nội dung theo thông lệ tổ chức các Hội nghị cấp cao ASEAN-PAC, tại Hội nghị lần này, các cơ quan thành viên sẽ báo cáo về tiến triển trong công tác PCTN và trong thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng; chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về các biện pháp quản trị tốt (khu vực công và/hoặc khu vực tư) góp phần PCTN hiệu quả; Thảo luận về các vấn đề hợp tác hiện tại của Nhóm, về tiến độ, kết quả triển khai Kế hoạch công tác giai đoạn 2019-2021.

Bên cạnh đó, dự kiến đại diện UNODC sẽ có tham luận về kết quả triển khai chu trình đánh giá thứ 2 trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (với Chương II về các biện pháp phòng ngừa và Chương V về Thu hồi tài sản) và các hoạt động hỗ trợ công tác PCTN ở khu vực của UNODC.

Bên lề Hội nghị Cấp cao, TTCP cũng sẽ chủ trì, phối hợp với UNODC tổ chức 1 Hội thảo tập huấn với chủ đề: “Xây dựng hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả” (tiếng Anh: “The Core Elements of An Effective Asset and Income Control System”). Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế và đại diện các cơ quan thành viên sẽ tham luận về lý luận và thực tiễn tốt về hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả theo các tiểu chủ đề cụ thể. Các tiểu chủ đề của Hội thảo sẽ được xác định trên cơ sở tham vấn với các cơ quan thành viên và thống nhất với UNODC. Đây có thể coi là một chủ đề rất phù hợp với bối cảnh ở nước ta hiện nay khi TTCP và các cơ quan hữu quan đang tổ chức triển khai công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định mới của Luật PCTN năm 2018.

Chủ trì Hội nghị Cấp cao và Hội thảo tập huấn bên lề là đại diện lãnh đạo TTCP, với sự tham gia của khoảng 50 đại biểu (đối với Hội nghị) và 70 đại biểu (đối với Hội thảo), gồm: Các đại biểu của 10 cơ quan thành viên SEA-PAC (Trưởng các đoàn là cấp Bộ trưởng); Đại diện Ban Thư ký ASEAN; Đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam (UNODC, UNDP, Ngân hàng Thế giới, Hướng tới Minh bạch,…); Một số diễn giả quốc tế do UNODC/TTCP mời; Đại diện một số cơ quan, bộ, ngành của Việt Nam: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Viện KSND Tối cao, Ban Nội chính TƯ, Ủy ban Kiểm tra TƯ; Đại diện một số cơ quan tỉnh Quảng Ninh: UBND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, Sở Ngoại vụ tỉnh; Đại diện Thanh tra một số tỉnh lân cận và một số cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP.

Nguyễn Tuấn Anh
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (TTCP)

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/thanh-tra-chinh-phu-dang-cai-to-chuc-cac-hoat-dong-cua-asean-pac_t114c1059n159470