Thanh tra chỉ ra sai phạm nặng nhưng chỉ phê bình, khiển trách

Việc thanh tra là để nâng cao hiệu quả quản lý, chứ không phải tạo sự trì trệ nên ngành thanh tra cần cái tâm và tuân thủ pháp luật.

Chiều 24-1, Thanh tra TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Việc xử lý sau thanh tra nhẹ, cơ quan liên quan xử lý quá chậm được nêu ra tại hội nghị...

Hơn 13.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành

Theo báo cáo, trong năm 2018 toàn ngành đã triển khai hơn 350 cuộc thanh tra hành chính và hơn 13.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua đó phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 1.000 tỉ đồng, năm căn nhà... Ngành thanh tra đã kiến nghị thu hồi gần 900 tỉ đồng và năm căn nhà. Kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính hơn 200 tập thể và gần 290 cá nhân. Chuyển CQĐT xử lý 14 vụ.

Thanh tra TP đánh giá mặc dù được chỉ đạo quyết liệt nhưng có bốn vụ việc đông người có tính chất nổi cộm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đó là các vụ việc liên quan khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao (quận 9), dự án chỉnh trang phát triển đô thị phường Long Bình (quận 9), dự án 1 bis-1 kép (quận 1).

Thanh tra TP đã thực hiện ba cuộc thanh tra về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, đến nay đã ban hành kết luận. Qua thanh tra phát hiện sai phạm kinh tế hơn 26 tỉ đồng và đã thu hồi đạt 100%.

Tính chung trong toàn ngành, tỉ lệ thu hồi sau thanh tra đạt tỉ lệ hơn 97%.

Thanh tra TP.HCM cho rằng qua các cuộc thanh tra đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đặc biệt là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chấp hành và thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: T.LÂM

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: T.LÂM

“Xử lý quá chậm”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ghi nhận những kết quả trong công tác thanh tra. Ông yêu cầu ngành thanh tra TP phải khắc phục hạn chế và những tồn tại để phát huy tốt, hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2019.

Ông cũng gửi gắm: Công tác thanh tra phải hết sức chặt chẽ, có lý có tình, khuyến khích sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức. “Vì thanh tra góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý chứ không phải tạo ra sự trì trệ” - ông Phong nói.

Theo ông Phong, thời gian qua có những vụ việc khi kết luận thanh tra thì thấy sai phạm rất rõ nhưng khi đưa ra xử lý thì lại xử lý nhẹ, không nghiêm minh. “Tôi rất ngạc nhiên, có những vụ việc tôi chủ trì họp giữa Thanh tra TP và đơn vị được thanh tra, thấy kết luận sau thanh tra là sai phạm rất rõ ràng, rất nặng, thế nhưng khi đưa ra xử lý thì chỉ phê bình, khiển trách. Làm như vậy là không phát huy được kết luận đã thanh tra, không nghiêm minh trong xử lý” - ông Phong nói.

Ông cho biết trong năm 2018, Thanh tra TP.HCM đã chuyển CQĐT bảy vụ việc nhưng CQĐT lại xử lý rất chậm. Do đó ông đã yêu cầu báo cáo và chỉ đạo phải làm rốt ráo hơn. “Phải hiểu khi chuyển vụ việc sang CQĐT không phải để khởi tố mà là phối hợp để giúp thanh tra làm rõ hơn vụ việc và tiến hành xử lý từng bước đúng pháp luật” - ông Phong nói và cho rằng công tác thanh tra là khi kết luận thì phải làm cho đơn vị được thanh tra tâm phục khẩu phục thì kết luận mới thật sự thuyết phục. “Thanh tra là để đơn vị được thanh tra thực hiện tốt hơn... Vì vậy phải làm với cái tâm và trên hết là đúng quy định, đúng pháp luật” - ông nói.

Có vụ chuyển nhưng công an không nhận

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Long Truyền (Chánh Thanh tra TP.HCM) cho biết các vụ việc chuyển qua CQĐT thì tiến độ xử lý rất chậm. Có những vụ việc chuyển từ năm 2013 đến nay mà vẫn chưa kết thúc.

Còn với những vụ việc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng với chức năng và thẩm quyền, cơ quan thanh tra không có điều kiện làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật nên chuyển CQĐT theo kết luận của UBND TP… Tuy nhiên, nhiều vụ việc CQĐT cho biết chưa rõ các dấu hiệu vi phạm nên không làm. Thậm chí có những vụ việc chuyển CQĐT không tiếp nhận hồ sơ. “Việc này làm thanh tra chúng tôi rất lúng túng. Đề nghị UBND TP có chỉ đạo phối hợp vụ việc tốt hơn” - ông Truyền nói.

Bảy vụ thanh tra chuyển CQĐT

+ Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và xây dựng Thăng Long (tức Bảy Hiền Tower) do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư.

+ Dự án Trung tâm thương mại căn hộ cao cấp Dragon Court (phường Tân Thuận Tây, quận 7).

+ Thanh tra liên ngành về thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất và tiến độ thực hiện dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc do Công ty CP Địa ốc 10 (thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV) làm chủ đầu tư.

+ Thanh tra toàn diện tình hình hoạt động Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (đơn vị kinh tế đảng trực thuộc Thành ủy).

+ Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

+ Gói thầu tại Ban quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP.HCM.

+ Dự án phát triển mạng lưới cấp nước của Công ty CP Cấp nước Trung An, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn.

TÁ LÂM

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/thanh-tra-chi-ra-sai-pham-nang-nhung-chi-phe-binh-khien-trach-814686.html