Thanh tra chỉ ra hàng loạt vi phạm tại dự án Metro 1,7 tỷ USD ở Hà Nội

Hợp đồng trọn gói về dịch vụ tư vấn thực hiện dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội ngay khi triển khai đã nảy sinh các bất cập.

Thanh tra Chính phủ vừa ra kết luận thanh tra nội dung theo đơn tố cáo của ông Lương Xuân Bình - nguyên Phó trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội về dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.

Kết luận nêu ba vấn đề tố cáo của ông Bình liên quan đến điều chỉnh hợp đồng tư vấn của Systra (Pháp), thực hiện gói thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ và dấu hiệu vi phạm của Đoàn thanh tra TP.Hà Nội.

Đoạn trên cao đã thi công được trên 83%, hiện nay nhà thầu đã hoàn thiện việc lắp dầm trên các tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy. Ảnh: Bá Đô

Từ tố cáo của ông Lương Xuân Bình và theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc với kết luận một số vấn đề là có cơ sở.

Cụ thể, về điều chỉnh hợp đồng tư vấn trọn gói tăng thêm hơn 6,5 triệu euro (Gần 190 tỷ đồng). Theo kết luận, tháng 11.2007, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và Công ty Systra ký hợp đồng trọn gói dịch vụ tư vấn với trị giá trên 10,6 triệu Euro (chưa bao gồm chi phí dự phòng).

Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư và tư vấn đã ký 3 phụ lục điều chỉnh thời gian thực hiện và giá hợp đồng. Giá trị hợp đồng sau điều chỉnh trên 17,1 triệu Euro - tăng trên 6,5 triệu Euro so với hợp đồng ban đầu.

Kết luận thanh tra nêu, hợp đồng trọn gói về dịch vụ tư vấn thực hiện dự án ngay khi triển khai đã nảy sinh các bất cập, có nhiều nội dung không rõ ràng dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các bên.

Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chưa có nhân sự nắm chuyên môn ở tầm quốc tế, đủ năng lực trong việc xem xét và phê duyệt, thường xuyên phải tham khảo, lấy ý kiến các cấp, ngành, thậm chí phải thuê các đơn vị nước ngoài thẩm định trước khi ký duyệt... Việc thiếu kinh nghiệm của Ban quản lý này đã dẫn đến mất rất nhiều thời gian dành cho việc xem xét, rà soát, trong khi các ý kiến tham gia đều không rõ ràng, thiếu tự tin, nhằm mục đích tránh chịu trách nhiệm, từ mất nhiều thời gian đã dẫn đến tăng chi phí bổ sung.

Đối với tư vấn Systra, đây là lần đầu tiên làm dự án tuyến tàu điện ngầm ở Việt Nam nên còn nhiều lúng túng, chưa hiểu hết các quy định của luật pháp sở tại, dẫn đến mất nhiều thời gian để hai bên đi đến thống nhất cho từng nội dung, từng hạng mục. Mặt khác những yêu cầu không nhất quán của Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội làm cho tư vấn Systra gặp khó khăn.

Cơ quan thanh tra nêu rõ, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội không tin tưởng vào kinh nghiệm và trình độ quốc tế của tư vấn Systra. Ngược lại, tư vấn Systra cho rằng, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội thiếu kinh nghiệm và loại hình thi công này làm chậm trễ thời gian thực hiện dẫn đến phát sinh nhiều chi phí...

Thiết kế ngoại thất của tàu tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Systra.

Những nguyên nhân dẫn đến dự án bị chậm, kéo dài phát sinh tăng chi phí với số tiền lớn, phần lỗi thuộc về cả hai bên tư vấn Systra và Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, trong đó phần lớn thuộc các cơ quan của Việt Nam.

Về việc thực hiện gói thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ đoạn cầu cạn và nhà ga, do nhà thầu Tổng công ty xây dựng Lũng Lô thực hiện, kết luận thanh tra cho hay chủ đầu tư đã thiếu chặt chẽ trong việc giám sát, nghiệm thu, hồ sơ hoàn công không đảm bảo chất lượng, không phù hợp và không tuân thủ phương án kỹ thuật thi công được duyệt.

"Trách nhiệm này thuộc chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan; Tổng công ty xây dựng Lũng Lô và đơn vị thi công gói thầu này", kết luận nêu.

Liên quan đến dấu hiệu trù dập, loại bỏ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí thông qua công tác cán bộ mà ông Lương Xuân Bình đứng ra tố cáo, kết luận cho hay, đến thời điểm tranh tra, ông Bình chưa cung cấp được dấu hiệu gì cho thấy bị xâm hại hay đe dọa đến bản thân và gia đình.

Theo kết luận thanh tra, trong quá trình công tác, ông Bình không bị kỷ luật và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng khi lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị cán bộ, viên chức thì không đủ phiếu để bổ nhiệm lại. Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm của tập thể Đảng ủy và lãnh đạo Ban quản lý thì ông Bình lại đạt số phiếu tín nhiệm. Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thành ủy Hà Nội xem xét lại quá trình công tác, đảm bảo quyền lợi cho ông Bình.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư dự án rà soát lại trách nhiệm của Tư vấn Systra, xác định chi phí thuộc trách nhiệm phần lỗi của đơn vị này để thực hiện giảm trừ khi quyết toán.

UBND TP.Hà Nội có trách nhiệm tổ chức kiểm điểm, chỉ đạo Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và các sở ngành kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan đến các vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra...

Theo Bá Đô (VnExpress)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/thanh-tra-chi-ra-hang-loat-vi-pham-tai-du-an-metro-17-ty-usd-o-ha-noi-894559.html