Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận nhiều sai phạm nghiêm trọng tại dự án KDC Mỹ Phước 4 và KDC Cầu Đò

Gần một năm kể từ khi có QĐ Thanh tra số 23/QĐ-TTr về việc chấp hành các quy định pháp luật về đấu giá tài sản và công chứng. Ngày 8/4/2020 Thanh tra Bộ Tư pháp đã có KLTT số 07/KL-TTR. Cơ quan này KL nhiều sai phạm tại DA KDC Mỹ Phước 4 và KDC Cầu Đò.

Thanh tra Bộ xác định 5 sai phạm nghiêm trọng thuộc trách nhiệm của Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn

Tại Kết luận Thanh tra số 07/KL-TTR được Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện ký ngày 8/4/2020 về việc chấp hành quy định pháp luật đối với Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn TP. Hồ Chí Minh và Văn phòng Công chứng Mỹ Phước tỉnh Bình Dương. Cụ thể, hàng loạt sai phạm trong các phiên đấu giá tài sản quyền sử dụng đất của hai dự án KDC Mỹ Phước 4 và KDC Cầu Đò của Công ty Thiên Phú mà Công ty Thuận Lợi mua trúng đấu giá từ Ngân hàng được xác định rõ.

Trong đó, kết luận thanh tra của Thanh Bộ Tư pháp, các phiên đấu giá trên đều diễn ra hành vi vi phạm quy định pháp luật của 04 bên liên quan: từ đơn vị tổ chức đấu giá là Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty Nam Sài Gòn), cho đến Văn phòng công chứng (VPCC) thực hiện việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là VPCC Mỹ Phước, lẫn bên có tài sản đấu giá là Ngân hàng Agribank Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) và cả người mua trúng đấu giá là Công ty CP đầu tư phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi). Trong đó, việc tổ chức đấu giá tài sản thuộc trách nhiệm của Công ty Nam Sài Gòn đã vi phạm pháp luật nhiều nhất.

Cụ thể, trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản là các quyền sử dụng đất của các dự án Khu dân cư (KDC) Mỹ Phước 4 và KDC Cầu Đò, theo hợp đồng số 11/2014/ĐGNSG ngày 18/6/2014 và hợp đồng số 16/2014/ĐGNSG ngày 22/10/2014, Công ty Nam Sài Gòn đã để xảy ra 5 sai phạm nghiêm trọng sau:

Thứ nhất, diện tích quyền sử dụng đất giữa Chứng thư thẩm định giá và kết quả bán đấu giá là không đồng nhất. Điều này dẫn đến phần diện tích bị chênh lệch giữa Chứng thư thẩm định giá và Thông báo bán đấu giá lên đến 2821,4m2.

Thứ hai, Hồ sơ đấu giá của không có tài liệu thể hiện niêm yết Thông báo đấu giá tại địa điểm theo quy định của pháp luật. Điều này vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 18 Thông tư 23/2010/TT-BTP ngày 6/12/2010 của Bộ Tư pháp.

Thứ ba, chưa đảm bảo chặt chẽ trong việc người đăng ký tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước khi thời hạn nộp tiền đã hết (cuộc đấu giá khu B1 B2, Mỹ Phước 4). Điều này vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 29 Nghị định 17/NĐ-CP.

Thứ tư, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong việc thực hiện Hợp đồng đấu giá đã ký kết với Agribank Chợ Lớn.

Thứ năm, nhận thức chưa đúng về tài sản đấu giá dẫn đến việc thông báo bán đấu giá tài sản không được chuyển nhượng. Hành vi này đã vi phạm Khoản 2 Điều 173 Luật đất đai năm 2013, bởi Điều khoản này quy định rõ: “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”.

Sai phạm của Văn phòng Công chứng Mỹ Phước (Bình Dương) được xác định rõ

Bên cạnh 5 sai phạm nghiêm trọng của Công ty Nam Sài Gòn, tại Kết luận Thanh tra số 07/KL-TTR cũng xác định rõ hành vi sai phạm của Văn phòng Công chứng Mỹ Phước khi thực hiện công chứng các hợp đồng.

Nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng đã được Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ rõ trong Kết luận Thanh tra số 07/KL-TTR do Chánh Thanh tra Nguyễn Hồng Diện ký.

Cụ thể, trong quá trình công chứng Hợp đồng mua bán tài sản, Công chứng viên Huỳnh Tấn Bình Văn phòng Công chứng Mỹ Phước (đồng thời cũng là trưởng Văn phòng Công chứng Mỹ Phước) thực hiện việc công chứng Hợp đồng trong đó có nội dung mua bán quyền sử dụng đất nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất là chưa đúng quy định pháp luật.

Đối với nội dung tố cáo“có dấu hiệu làm trái, gây thất thoát trong việc sử dụng, quản lý tiền là tài sản của Nhà nước; không có biện pháp quyết liệt để xử lý việc chậm thanh toán của khách hàng trúng đấu giá”, Kết luận Thanh tra nêu rõ: Theo Hợp đồng dịch vụ đấu giá ký kết với Agribank Chợ Lớn, Công ty Nam Sài Gòn có trách nhiệm thu tiền thanh toán trúng đấu giá. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thu tiền thanh toán theo quy định của Hợp đồng mua bán tài sản, người mua trúng đấu giá (Công ty Thuận Lợi) có nhiều lần không thực hiện đúng thời hạn thanh toán. Cụ thể:

Đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất khu B1 và B2 Dự án Mỹ Phước 4: Theo khoản 11 của Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 11/2014/HĐMBTSBĐG ngày 16/10/2016 giữa Công ty Nam Sài Gòn và Công ty Thuận Lợi, được VPCC Mỹ Phước công chứng cho thấy: đến ngày 30/10/2016, người mua trúng đấu giá sẽ thanh toán đủ tiền trúng đấu giá. Tuy nhiên, theo báo cáo số 269/NHNNCL-KHDN ngày 06/6/2019 của Agribank Chợ Lớn gửi Thanh tra Bộ Tư pháp, thì đến ngày 17/5/2017 (tức trễ đến 07 tháng so với quy định của hợp đồng), người mua trúng đấu giá mới nộp đủ tiền thanh toán 37.750.000.000 đồng).

Đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất dự án KDC Cầu Đò và Khu A, Mỹ Phước 4, theo biên bản làm việc ngày 22/3/2016 giữa các bên thống nhất: đến ngày 30/6/2016, người mua trúng đấu giá sẽ thanh toán đủ tiền mua tài sản đấu giá. Tuy nhiên, theo báo cáo số 269/NHNNCL-KHDN nói trên, đến ngày 21/11/2016 (tức trễ hạn đến 05 tháng), người mua trúng đấu giá mới nộp đủ tiền.

Như vậy, người mua trúng đấu giá rõ ràng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo cam kết của Hợp đồng mua bán tài sản và Hợp đồng dịch vụ đấu giá mà các bên đã ký.

Trước đó, đại diện Công ty Thiên Phú đã đưa ra nhiều điều bất thường liên quan đến vụ việc. Cụ thể, việc ông Nguyễn Việt Hưng vừa là Trưởng phòng pháp chế, Phó phòng hành chính nhân sự Agribank Chợ Lớn, lại là cổ đông sáng lập Công ty Nam Sài Gòn, với tỷ lệ cổ phần góp vốn chi phối, lên đến 76%. Thậm chí, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn (thành lập vào tháng 7/2013) chỉ lập ra để thực hiện đấu giá các dự án của Công ty Thiên Phú đã thế chấp tại Ngân hàng Agribank Chợ Lớn, khi công ty đấu giá này đã ngưng hoạt động và “biến mất” sau khi các tài sản của Công ty Thiên Phú đã được mang đấu giá xong.

Ngoài ra, những vấn đề khuất tất, khiến dư luận hoài nghi lớn nhất về dấu hiệu thông đồng, tiêu cực trong các lần đấu giá các dự án của Công ty Thiên Phú không phải là không có cơ sở, khi tất cả các dự án trên đều chỉ có một mình Công ty Thuận Lợi tham gia đấu giá và chắc chắn mua được dự án bằng và thấp hơn giá khởi điểm. Đồng thời, công ty này cũng được sự ưu ái đặc biệt về thời hạn thanh toán đủ tiền mua trúng đấu giá so với cam kết được quy định trong hợp đồng mua bán tài sản.

Cụ thể, đối với phiên đấu giá mua KDC Mỹ Phước khu B1 B2, thời gian chậm trễ thanh toán đủ tiền của Công ty Thuận Lợi lên đến 7 tháng so với hợp đồng. Còn tại lần đấu giá KDC Cầu Đò và khu A, Mỹ Phước 4 thì sự chậm hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trúng đấu giá cũng là gần nửa năm.

Lại Hùng

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/thanh-tra-bo-tu-phap-ket-luan-nhieu-sai-pham-nghiem-trong-tai-du-an-kdc-my-phuoc-4-va-kdc-cau-do-post34872.html