Thanh tra Bộ Ngoại giao: Về nguồn Bắc Sơn

Những ngày cuối Thu, đoàn cán bộ nhân viên Thanh tra Bộ Ngoại giao háo hức về với vùng đất lịch sử Lạng Sơn. Không đến động Tam Thanh, núi Nàng Tô Thị hay đền Kỳ Cùng quen thuộc, hành trình về nguồn lần này hướng đến Bắc Sơn, huyện có nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng nơi cực Bắc Tổ quốc.

Cách trung tâm thành phố Lạng Sơn khoảng 85km về phía Tây Nam, huyện Bắc Sơn trong những năm gần đây đã trở thành một điểm ưa chuộng của những dân mê phượt. Thung lũng Bắc Sơn nằm lọt giữa mênh mông núi đá vôi trùng điệp, tạo nên những bức tranh thổ cẩm khổng lồ đầy quyến rũ. Đắm mình trong những cánh đồng lúa chín vàng óng ả bên những dòng sông uốn lượn, chúng tôi như cảm nhận được sự bình an, lâng lâng khác lạ. Ai cũng cố gắng lưu lại những bức hình tự nhiên nhất mà phải rất lâu rồi mới được hòa mình trong đất trời mộc mạc, thanh bình đến vậy.

Bắc Sơn có 56 điểm di tích lịch sử, danh thắng, trong đó có 12 điểm di tích thuộc Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2016, 1 điểm di tích quốc gia, 14 điểm di tích cấp tỉnh và 29 điểm di tích được kiểm kê khoa học. Vùng đất Bắc Sơn còn là nơi phát hiện ra nhiều di chỉ khảo cổ về người tiền sử, tại đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy cả một nền văn minh của người Việt cổ vào Sơ kỳ đồ đá mới, mang tên văn hóa Bắc Sơn. Đây cũng là căn cứ địa kháng chiến (căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai), nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, chống Nhật và Pháp của lực lượng Việt Minh những năm 1940.

Đoàn cán bộ nhân viên Thanh tra Bộ Ngoại giao tại Tượng đài Du kích Bắc Sơn. (Ảnh: HT)

Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn

Là bảo tàng chuyên đề, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn hiện lưu giữ, bảo quản và trưng bày có hệ thống các tài liệu hiện vật về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm xưa. Ông Hoàng Công Vức, hướng dẫn viên kiêm quản lý Bảo tàng say sưa giới thiệu cho du khách về nguồn gốc, ý nghĩa của Khu di tích. Không gian trưng bày của Bảo tàng được chia theo 3 chủ đề chính là: Bắc Sơn thời tiền sử, Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn và Bắc Sơn phát huy truyền thống cách mạng. Bảo tàng còn mô phỏng nơi cư trú của người tiền sử và trưng bày các di vật khảo cổ được khai quật tại Bắc Sơn. Phía sau nhà trưng bày là ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày với không gian thoáng đãng, giới thiệu về các nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Tày Bắc Sơn.

Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn được thành lập từ năm 1966, trước đây sử dụng Đình làng Bắc Sơn làm nơi trưng bày, giới thiệu hiện vật. Đến năm 1985, Bảo tàng được xây dựng tại thôn Long Hưng, xã Long Đống.

Làng Văn hóa Quỳnh Sơn

Cách trung tâm huyện khoảng 2km về phía Bắc, nằm trên địa bàn thôn Thâm Pát và thôn Đon Riệc xã Quỳnh Sơn, toàn bộ ngôi làng văn hóa với 400 ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày nằm gọn trong thung lũng Bắc Sơn. Điểm độc đáo của ngôi làng là tất cả các nhà đồng nhất cùng hướng về hướng Nam và có thế tựa lưng vào núi. Ngôi làng đã hình thành cách đây mấy trăm năm, và chính thức được đưa vào khai thác du lịch từ năm 2010. Những ai muốn trải nghiệm văn hóa của người Tày có thể dừng chân và nghỉ qua đêm trong không gian rộng rãi, thoáng mát của những ngôi nhà cổ độc đáo này. Hiện nay, chỉ có 8 hộ gia đình đáp ứng được các điều kiện đón tiếp khách tham quan. Phần lớn các ngôi nhà đã được chỉnh sửa, cải tạo lại do chất lượng nhà đã bị xuống cấp. Những hàng rào đá cổ lác đác còn nguyên vẹn, thay vào đó là những hàng rào gạch kiên cố hơn.

Vườn quýt Hang Hú

Theo chân cán bộ văn hóa huyện, chị Đỗ Mùi, chúng tôi cùng nhau leo bộ lên một hang núi uốn lượn tại thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng. Được tả trước về khu vườn độc đáo nằm trên hang động, song cả đoàn không khỏi ngỡ ngàng vì cảnh quan lại thơ mộng đến thế. Vườn quýt thuộc hộ gia đình ông Hoàng Cao Vinh, được anh Hoàng Quang Phiệt, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chiến Thắng, con trai ông Vinh chăm sóc và quảng bá. Khu vườn có phong cảnh đẹp, lạ, với hàng trăm cây quýt trên 30 năm tuổi, được đưa vào khai thác du lịch từ tháng 10/2017, đến nay đã thu hút được trên 20.000 lượt khách tham quan.

Cùng quây quần trên những chiếc chòi cao trong hang động, chạm tay những trái quýt chĩu chịt, thưởng thức những món đặc sản Bắc Sơn với những chén rượu cần trong tiết trời se se lạnh mãi là những khoảnh khắc hiếm có, đáng quý cho những du khách từng tới nơi đây.

Trên cung đường tham quan, đoàn còn dừng chân tại thác nước tự nhiên Đăng Mò. Thác Đăng Mò mang vẻ đẹp nên thơ, quanh năm tuôn chảy giữa núi rừng hoang sơ. Dọc triền thác là những tảng đá lớn nhỏ chất chồng lên nhau, muôn hình đủ dáng, xung quanh là những gốc cây cổ thụ vươn cành phủ tán ra giữa lòng thác. Ông Hoàng Xuân Thuận, Giám đốc Sở Ngoại vụ Lạng Sơn cho biết, Bắc Sơn có những điểm du lịch kỳ thú về thiên nhiên, hang động, văn hóa lịch sử nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa lịch sử, phong tục, tập quán người dân địa phương. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã lên kế hoạch triển khai các dự án lớn tại Lạng Sơn trong thời gian tới. Du lịch Lạng Sơn nếu được quan tâm đúng mức và đầu tư phát triển hợp lý sẽ hứa hẹn là một trong những điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Bắc.

Hạnh Thảo

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/thanh-tra-bo-ngoai-giao-ve-nguon-bac-son-82548.html