Thanh tra Bộ Ngoại giao: Tự hào 50 năm xây dựng và trưởng thành

'Bao giờ cho đến tháng Mười' - tên một bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam đã nói giúp tâm trạng vui mừng và hồi hộp suốt gần một năm qua của cán bộ Thanh tra Bộ Ngoại giao, kể cả nhiều đồng chí đã chuyển công tác hay nghỉ hưu, khi bắt tay chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm tròn 50 năm ngày thành lập đơn vị (15/10/1969).

Thanh tra Bộ Ngoại giao: Tự hào 50 năm xây dựng và trưởng thành

Chặng đường nửa thế kỷ hoạt động với bao nỗ lực của các thế hệ, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Lãnh đạo Bộ, đã để lại trong mỗi cán bộ thanh tra ngoại giao những kỷ niệm riêng khó phai, nhưng tất cả đều chung niềm tự hào và hạnh phúc được đóng góp vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành Ngoại giao. Nhân dịp này, xin điểm lại những bước trưởng thành của đơn vị trong công tác chuyên môn và xây dựng nội bộ.

Chặng đường lịch sử

Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, trong nhịp sống khẩn trương, vừa sản suất vừa chiến đấu và chi viện cho Miền Nam trong cuộc trường kỳ kháng chiến bộn bề, ngày 11/8/1969, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 780/NQ-TVQH thành lập Ủy ban Thanh tra Chính phủ. Trên cơ sở đó, theo kiến nghị ngày 17/6/1969 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ngày 15/10/1969, Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh đã ký Quyết định số 204/CP của Hội đồng Chính phủ thành lập Ban Thanh tra thuộc Bộ Ngoại giao, chính thức khai sinh một đơn vị mới và đặt nền móng cho công tác thanh tra Ngoại giao nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên trên mặt trận ngoại giao. Từ đó, trải qua những bước chuyển mình quan trọng, cùng với những chặng đường phát triển của đất nước, Ban Thanh tra đã không ngừng nỗ lực, tự nghiên cứu, đưa công tác thanh tra ngày càng góp phần quan trọng vào công tác quản lý nội bộ cũng như quản lý nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại.

Khi mới thành lập, Ban Thanh tra Bộ do Thứ trưởng Hoàng Văn Lợi kiêm Trưởng ban, chỉ có một đồng chí Phó ban với ba, bốn cán bộ. Công tác thanh tra giai đoạn này chủ yếu giải quyết các vụ vi phạm kỷ luật. Sang những năm 1980, ngoài giải quyết vụ việc, công tác thanh tra đã nhấn mạnh việc thực hiện công tác xây dựng ngành, xây dựng đơn vị, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cán bộ. Về mặt hình thức, công tác thanh tra chủ yếu được kết hợp với hoạt động kiểm tra của Đảng ủy Bộ, Ban cán sự Đảng ngoài nước, Vụ Cán bộ, Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ. Công tác thanh tra chưa trở thành hoạt động thường xuyên, theo kế hoạch.

Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) đã vạch ra giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đặt nền tảng và mở đường cho sản xuất phát triển, khởi đầu cho sự nghiệp Đổi mới. Công tác thanh tra nói chung được nâng lên một tầm cao mới với Pháp lệnh Thanh tra được ban hành ngày 29/3/1990 - văn bản pháp lý cao nhất tạo cơ sở pháp lý và xác định rõ vị trí của công tác thanh tra trong quản lý nhà nước: “thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, là phương thức bảo đảm pháp chế, tăng cường kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực hiện quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Trên tinh thần chính quy hóa công tác và tổ chức bộ máy thanh tra, ngày 16/3/1993, Quy chế về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bộ Ngoại giao được ban hành, theo đó, Ban Thanh tra Bộ Ngoại giao được đổi tên thành Thanh tra Bộ và chức danh Trưởng Ban Thanh tra được đổi thành Chánh Thanh tra.

Điều khác biệt so với nhiều bộ, ngành chính là công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao còn quá trẻ. Trước đây, công tác ngoại giao được coi là hoạt động của Lãnh đạo cấp cao. Chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, công cuộc hội nhập của đất nước đã khiến hoạt động đối ngoại trở nên tấp nập ở các cấp, các ngành và ngày càng có sự tham gia tích cực của các đối tác ngoài Nhà nước. Thực tế này đặt công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác thanh tra trước nhiều nhiệm vụ và thách thức mới.

Nghị định số 157/2006/NĐ-CP ngày 27/12/2006 và sau này là Nghị định số 17/2014/NĐ-CP ngày 11/3/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Ngoại giao là những bước chuyển có ý nghĩa quan trọng, mở đầu và làm sâu sắc hơn cho công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao. Quyết định số 1621/2008/QĐ-BNG ngày 23/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ đã định hình tổ chức bộ máy của Thanh tra Bộ gồm Phòng Tổng hợp và Phòng Thanh tra, Tiếp công dân và Giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, nhân viên Thanh tra Bộ Ngoại giao, tháng 8/2019. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ngoài Thanh tra Bộ, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ngoại giao trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Thông tư 06/2016/TT-BNG ngày 11/11/2016 của Bộ Ngoại giao đã cụ thể hóa 10 nội dung thanh tra chuyên ngành và là cơ sở pháp lý quan trọng để các Sở Ngoại vụ triển khai công tác thanh tra chuyên ngành tại địa phương.

Đây là bước tiến quan trọng của công tác thanh tra ngoại giao, đánh dấu bước đi lên chính quy với quy định cụ thể về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và cách thức hoạt động, nội dung thanh tra và trang phục thanh tra chuyên ngành ngoại giao. Đây cũng là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đề cập và quy định rõ chức năng thanh tra chuyên ngành của Sở Ngoại vụ. Cũng chính từ đây, Thanh tra Bộ Ngoại giao có thêm chức năng định hướng nội dung, hướng dẫn nghiệp vụ đối với thanh tra các Sở Ngoại vụ địa phương.

Luật Thanh tra 2010 với nhiều điểm mới đã nâng cao tính minh bạch của hoạt động thanh tra, theo đó, các cơ quan thanh tra phải nghiên cứu đổi mới lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, trách nhiệm và hiện đại hóa hoạt động của mình. Thanh tra Bộ Ngoại giao cũng đứng trước yêu cầu đổi mới từ nhận thức đến hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ trong bối cảnh các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động ở tất cả các cấp, các ngành.

Những bước trưởng thành

Suốt nửa thế kỷ qua, Thanh tra Bộ vẫn luôn là đơn vị “gọn nhẹ, hợp lý và tiết kiệm”, với biên chế chưa khi nào vượt quá 15. Cán bộ thanh tra đều trưởng thành từ cán bộ ngoại giao, ít có điều kiện được đào tạo bài bản, chính quy về chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian công tác tại đơn vị cũng không cố định như tại thanh tra các bộ, ngành. Nhưng được sự chỉ đạo sát sao của các thế hệ Lãnh đạo Bộ và sự chỉ đạo chuyên môn của Thanh tra Chính phủ, từ một đơn vị mang tính nội bộ, Thanh tra Bộ đã vươn lên, đáp ứng yêu cầu của công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ Ngoại giao phục vụ phát triển đất nước. Những bước trưởng thành rõ rệt nhất có thể thấy là:

Công tác thanh tra hành chính được tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu, không chỉ giải quyết vụ việc, mà được tiến hành thường xuyên, theo kế hoạch, có định hướng, trọng tâm, tuân thủ đúng quy trình, quy định. Thanh tra Bộ đã tích cực nghiên cứu, học hỏi để làm rõ và sâu sắc hơn nhận thức về bản chất, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và quy định của pháp luật về công tác thanh tra. Việc lựa chọn đối tượng thanh tra cũng có sự điều chỉnh. Bên cạnh việc thanh tra các cơ quan đại diện lớn, Thanh tra Bộ đã đưa vào kế hoạch thanh tra các cơ quan đại diện ở địa bàn khó khăn để kịp thời phản ánh, kiến nghị, đặc biệt là về cơ chế, chính sách đối với các nhóm địa bàn này.

Vì vậy, công tác thanh tra thực sự đã có chuyển biến mạnh, từ cách tiếp cận đến hoạt động trên thực tế, phát huy hiệu quả cao đối với công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa sai phạm, vì vậy đã thiết thực đồng hành, giúp các đơn vị rà soát, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về chức năng, nhiệm vụ của chính mình, hỗ trợ các đơn vị tuân thủ pháp luật và phát huy chức năng quản lý của mình đối với hoạt động đối ngoại trong phạm vi được phân công.

Thanh tra chuyên ngành ngoại giao là công tác hoàn toàn mới, nhưng được chú trọng và phát triển khá nhanh, đúng hướng và bài bản với số lượng cuộc thanh tra tăng dần. Thành công bước đầu đáng khích lệ nhất là sự trưởng thành nhanh chóng của cán bộ Thanh tra Bộ qua công tác thực tế và qua đào tạo tại chỗ. Cán bộ Thanh tra Bộ không những phải thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đúng quy định, chuẩn mực mà còn phải có đủ năng lực và trình độ để hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho thanh tra các Sở Ngoại vụ. Công tác thanh tra chuyên ngành không những góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đối ngoại của Bộ Ngoại giao mà còn góp phần tích cực vào việc tăng cường quan hệ giữa Bộ Ngoại giao và các địa phương, được các địa phương tin cậy và đánh giá cao.

Bên cạnh công tác chuyên môn, cán bộ Thanh tra Bộ vẫn luôn tự trau dồi, cập nhật kiến thức, thông tin, kỹ năng đối ngoại để đáp ứng nhiệm vụ khi được cử đi công tác tại các cơ quan đại diện. Trải qua 50 năm, trong số 16 đồng chí Chánh Thanh tra và 9 đồng chí Phó Chánh Thanh tra, đã có 17 đồng chí được bổ nhiệm và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khi đang công tác tại Thanh tra Bộ. Đây là niềm vinh dự và tự hào lớn của đơn vị.

Nhưng có lẽ sự trưởng thành nổi bật nhất của Thanh tra Bộ thể hiện ở tầm nhận thức và bản lĩnh của cán bộ thanh tra qua các thời kỳ đã dần được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong các hoàn cảnh, tình hình khác nhau. Phần thưởng lớn đối với cán bộ Thanh tra Bộ, ngoài những danh hiệu cao quý đã được trao, chính là sự đánh giá và tin cậy của Lãnh đạo Bộ, sự thông hiểu, chia sẻ, hợp tác ngày một tích cực của các đơn vị trong Bộ và các địa phương.

Truyền thống tự hào 50 năm qua với các thế hệ cán bộ đi trước là nguồn động viên quý giá, đồng thời cũng là hành trang và cơ sở vững chắc để đội ngũ cán bộ Thanh tra Bộ ngày nay kế thừa, tiếp bước, góp phần xứng đáng vào công tác xây dựng ngành và góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó cho Ngành Ngoại giao.

PHẠM VIỆT ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thanh-tra-bo-ngoai-giao-tu-hao-50-nam-xay-dung-va-truong-thanh-102481.html