Thanh toán tiền mặt khi mua bán online, ngành thuế sẽ quản lý ra sao?

Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân - Tổng cục Thuế cho biết: Cơ quan thuế vẫn phải đối mặt với phương thức doanh nghiệp online nhưng bán bằng tiền mặt, trường hợp này không xuất hóa đơn.

Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân - Tổng cục Thuế. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức.

Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân - Tổng cục Thuế. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức.

Theo bà Tạ Thị Phương Lan, với các trường hợp kinh doanh trên mạng (online), ngành thuế quản lý theo hình thức dòng tiền, nguồn tiền và các thông tin liên quan để xác định quy mô, hình thức kinh doanh và từ đó ấn định mức thuế. “Cơ quan quản lý không thể đi theo quản lý từng đồng chi tiêu nhưng có cách quản lý riêng”, bà Tạ Thị Phương Lan nói.

Tổng cục Thuế vẫn có các cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để quản lý thu thuế. Ví dụ với những người kinh doanh online, người bán vẫn có điểm kho hàng, địa chỉ kinh doanh...Với nhiều trường hợp, kinh doanh online chỉ là một trong các kênh bán hàng. “Chúng tôi vẫn đang quản lý với những đối tượng như vậy. Kinh doanh online nhưng họ không phải vô hình trên mạng. Ngoài ra, cơ quan chức năng đang triển khai hóa đơn điện tử. Đó cũng là một kênh để quản lý. Vì thế, không phải họ cứ dùng tiền mặt là không quản lý được”, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân khẳng định.

Mới đây, hơn 91,3% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết đã đồng ý thông qua dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo đó, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ giúp ngành thuế quản lý với những đối tượng kinh doanh online được chặt chẽ hơn. Tuy nhiên theo Tổng cục thuế, để làm được điều này không chỉ mình ngành thuế mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của các các ngân hàng thương mại (NHTM), Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp, tổ chức… Phía ngân hàng cũng sẽ phải thay đổi quy trình quản lý để cung cấp thông tin cho ngành thuế. Điều này cần phải tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) còn gắn trách nhiệm các NHTM, các tổ chức Facebook, Goolge nếu đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hiện tại, những đơn vị này không có chi nhánh, văn phòng nhưng rõ ràng, họ thông qua các tổ chức, doanh nghiệp để điều hành. Đó là điều ngành thuế đã biết và sẽ có giải pháp để khấu trừ thuế qua việc phối hợp giữa ngân hàng và ngành thuế.

Một trong những quy định gây chú ý là Luật sửa đổi lần này được nêu tại điều 27, các NHTM có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế, kho bạc trong thu, hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế; bảo mật thông tin người nộp thuế... Theo đó, các ngân hàng phải cung cấp thông tin số tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế. Ngoài ra, các nhà băng có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam; phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế...

Bên cạnh đó, để thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế, luật sửa đổi đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế với hoạt động thương mại theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online...

Trả lời về số lượng cá nhân kinh doanh online đã kê khai thuế, bà Tạ Thị Phương Lan cho rằng: Tổng cục Thuế không chia nhóm như vậy. Số liệu cá nhân kinh doanh online thì có thể phải lấy số liệu bên Bộ Công Thương. Bộ Công Thương có quy định việc cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải đăng ký. Còn với đăng ký thuế, việc này được thực hiện theo ngành nghề, ví dụ như bán lẻ thời trang, chứ không có ngành nào là "kinh doanh online".

Đề cập về tình hình thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 5 tháng đầu năm, ông Cao Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Năm 2019, ngành thuế sẽ tập trung, phấn đấu quyết liệt để hoàn thành vượt 5% nhiệm vụ thu NSNN năm 2019 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao là 1.168.100 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 44.600 tỷ đồng, thu nội địa là 1.123.500 tỷ đồng.

Về nộp thuế điện tử, Tổng cục Thuế đã phối hợp với 50 ngân hàng thương mại (đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế) và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Tính đến 31/5/2019, 99,93% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế.

Đối với hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế cho biết đã tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Đáng chú ý, đó là ngành thuế đã triển khai mở rộng khai thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê tài sản. Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến hết tháng 5/2019, đã có hơn 51.000 tài khoản đăng ký dịch vụ, với số lượng tờ khai đã nộp là 193.903 tờ khai.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/thanh-toan-tien-mat-khi-mua-ban-online-nganh-thue-se-quan-ly-ra-sao-20190616114810374.htm