Thanh toán qua Internet, di động tăng mạnh cả về lượng và giá trị

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính trong 5 năm qua, tổng số lượng thanh toán qua kênh Internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%; thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng nhưng tăng tới 3.000% về giá trị.

 Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng phối hợp với một số đơn vị tổ chức Hội thảo quốc gia: Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) có vai trò đặc biệt quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và cả nền kinh tế, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, TTKDTM giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, góp phần vào công tác quản lý thuế, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, các vấn đề về gian lận lợi ích; người dân, doanh nghiệp có thêm kênh giao dịch tiện ích, thuận lợi; các nguồn vốn trong xã hội được luân chuyển một cách an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thời gian... Thời gian qua, vai trò của TTKDTM, thanh toán điện tử càng được thể hiện rõ trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và phòng, chống đại dịch COVID-19 hiện nay.

Tại Việt Nam, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đã có nhiều bước tiến, các hệ sinh thái thanh toán số được hình thành, cho phép kết nối, tích hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Trong 09 tháng đầu năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đều tăng trưởng, tương ứng 75,2% và 30% so với cùng kỳ năm 2019; đặc biệt là số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh tương ứng gần 125% và 130% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại Hội thảo, báo cáo của NHNN cũng cho thấy, Việt Nam hiện đã có 78 tổ chức triển khai thanh toán qua Internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua di động và 34 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng đang trong hành trình chuyển đổi để có thể cung cấp trải nghiệm số hóa toàn diện, trở thành một sàn giao dịch với đa dạng các dịch vụ và sản phẩm, cung cấp giải pháp kinh doanh chứ không chỉ đơn thuần là dịch vụ ngân hàng.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, NHNN đã ký ban hành Thông tư về xác thực điện tử (eKYC) vào sáng 4/12, giúp tạo nền tảng đầy đủ cho thanh toán số, ngân hàng số phát triển.

Hiện các ngân hàng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS...

Theo ông Phạm Tiến Dũng, đã có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

Đặc biệt, số lượng và giá trị thanh toán qua ATM gần như không tăng trong khi các kênh thanh toán không dùng tiền mặt khác tăng mạnh. Trước kia, Napas xử lý 90% giao dịch là qua ATM nhưng hiện nay, số lượng giao dịch qua ATM chỉ còn chiếm 6% tổng số giao dịch.

Nhờ đó, lãnh đạo Vụ Thanh toán NHNN cho hay, trong 8 tháng 2020, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng gần 85,6% về số lượng và 138,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Số lượng thanh toán qua kênh Internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%. Tính trong cả 5 năm qua, thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng nhưng tăng tới 3.000% về giá trị.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy đã có hơn 30 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử; 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố, 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng thương mại và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện (doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%).

Tuy đã có những kết quả tích cực nhưng ông Phạm Tiến Dũng cũng chỉ ra một số khó khăn mà thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn phải đối mặt, đó là: Hành lang pháp lý; thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới của người dân.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thanh toán chưa được phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đơn vị chấp nhận thanh toán chưa có đủ kiến thức cũng như lợi ích thiết thực khi chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt so với tiền mặt, do đó chưa tích cực tham gia.

Mặt khác, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, do đó, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cần tiếp tục được quan tâm và tăng cường.

Liên quan đến vấn đề an toàn giao dịch, Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó cục trưởng Cục A05 (Bộ Công an) chia sẻ, trong các vụ án đã triệt phá, có những đối tượng sở hữu trong tay hàng nghìn tài khoản cá nhân, hàng trăm thẻ ATM để sử dụng vào mục đích lừa đảo, vi phạm pháp luật. Thủ đoạn, hành vi của những đối tượng này liên tục thay đổi, tinh vi, mang tính ẩn danh cao hoặc nặc danh, giả mạo danh nghĩa của những tổ chức, cá nhân có uy tín để lừa đảo...

Vì vậy, Đại tá Trương Sơn Lâm khuyến cáo cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, kể cả các nhân viên, cán bộ trong ngành ngân hàng về những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát phát hiện các giao dịch đáng ngờ; hoàn thiện cơ chế pháp lý; chủ động triển khai phương án phòng chống rủi ro, tấn công mạng...

Đại tá Trương Sơn Lâm nhấn mạnh, các giao dịch trong nền kinh tế số diễn ra rất nhanh, nếu cứ chờ đợi văn bản giấy tờ sẽ không thể kịp xử lý. Do đó cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan với cơ chế tiện lợi nhất…/.

M.P

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/thanh-toan-qua-internet-di-dong-tang-manh-ca-ve-luong-va-gia-tri-569247.html