Thanh toán không tiền mặt

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao nhất thế giới. Tiền mặt giữ vai trò chủ đạo trong hơn 90% giao dịch. Mục tiêu Chính phủ đặt ra, đến năm 2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm trên 30% tổng phương tiện thanh toán dường như khó đạt được.

Rào cản lớn nhất của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng. Ảnh: Minh họa

Rào cản lớn nhất của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng. Ảnh: Minh họa

Trong bối cảnh nền kinh tế liên tục tăng trưởng cao nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm, phản ánh một sự phát triển chưa đồng bộ đến khó hiểu.

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), trong 5 năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm, riêng năm 2019, tổng giá trị giao dịch đạt trên 10 tỷ USD. Cơ sở hạ tầng dịch vụ thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ, gia tăng đáng kể số lượng khách hàng, với nhiều dịch vụ hiện đại như ví điện tử, internet banking, mobile banking...

Đến cuối tháng 9-2019, cả nước lưu hành 96,4 triệu thẻ chip thanh toán điện tử thuộc 36 tổ chức phát hành. Giá trị giao dịch qua POS (máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ) tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018. Thậm chí, các giao dịch qua Internet, di động tăng tới 238% về giá trị.

Tuy nhiên, có một thực tế là khách hàng hiện vẫn chưa mặn mà với phương thức thanh toán điện tử.

Trước nghịch lý trên, nhiều chuyên gia chỉ ra rào cản lớn nhất của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng. Hiện, người dân chưa thấy lợi ích của việc không dùng tiền mặt để họ lựa chọn các phương thức thanh toán điện tử. Thậm chí, không ít người còn thấy bất tiện và bất an khi tiến hành các giao dịch điện tử.

Đơn cử, bảo hiểm xã hội - một lĩnh vực tưởng chừng dễ dàng thực hiện thanh toán, chi trả các chương trình an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Nhưng đến hết năm 2019, số người nhận qua tài khoản cá nhân mới đạt 28,47%.

Nhiều ngân hàng lý giải cho sự chậm trễ vì hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng, thiếu sự liên thông giữa các ngân hàng và cơ quan quản lý về cơ chế chia sẻ dữ liệu thông tin khách hàng nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt.

Rõ ràng, muốn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thì phải có tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chỉ có khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, trong khi đó, 70% dân số tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

Đây là bài toán khó cho cả ngân hàng và công nghệ tài chính (Fintech) trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Do đó, để đẩy nhanh lộ trình phi tiền mặt hóa các giao dịch, nếu chỉ tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân thì chưa đủ.

Tiềm năng mở rộng hệ sinh thái thanh toán điện tử của Việt Nam rất lớn, đem lại lợi ích thiết thực và trải nghiệm vượt trội cho người dân sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt phải diễn ra từ hai phía, ngân hàng phát hành thẻ và nơi cửa hàng bán lẻ, phương tiện thanh toán công cộng, nơi chấp nhận thẻ thì hệ sinh thái thanh toán điện tử mới hoàn chỉnh.

Do vậy, cần có sự quyết liệt từ quản lý Nhà nước. Trước hết, Chính phủ sớm xây dựng các hành lang pháp lý về thanh toán không tiền mặt, buộc các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân thực hiện. Cùng với đó là các định hướng chiến lược để ngân hàng, các công ty Fintech có thể tham gia và cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy chi tiêu không tiền mặt.

Có như vậy, chúng ta mới hoàn thành: Phấn đấu đến cuối 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; và đến cuối năm 2025 ở mức dưới 8%.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thanh-toan-khong-tien-mat/