Thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới nền tài chính toàn diện

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế.

Ngày 11/6, tại TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với một số đơn vị tổ chức Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” do hôm nay.

Hội thảo có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cùng các đồng chí lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ, UBND TP. Hồ Chí Minh.

Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: Đ.K)

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, một thực tế là thanh toán bằng tiền mặt trên toàn thế giới vẫn có khuynh hướng tăng bất chấp xu hướng mở rộng của thanh toán điện tử. Theo báo cáo World Cash Report 2018 của G4S (tiêu chuẩn toàn cầu về năng lực sử dụng các ứng dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật số mới nhất hiện nay được công nhận bởi các tổ chức uy tín trên toàn thế giới) trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011. Số liệu trên cho thấy mặc dù thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ và một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới.

Với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng tập khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt... Với Chính phủ, thanh toán điện tử giúp tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế, thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm...

"Tuy nhiên, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng,... Đây là điều mà các cơ quan quản lý của Việt Nam cần lưu tâm trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt", Phó Thống đốc nói.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018. Cụ thể, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỉ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỉ USD/ngày), tăng trưởng 25% so với năm 2017. Giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017.

Phó Thống đốc cũng cho hay, trong năm 2019, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp; NHNN sẽ tích cực, chủ động thực thi một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đó, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán, lấy việc cung ứng dịch vụ trên thiết bị di động làm mục tiêu chính; phối hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa/dịch vụ để kết nối, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này với hệ thống thanh toán của ngành ngân hàng. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhằm thay đổi dần tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: chinhphu.vn).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: chinhphu.vn).

Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định, lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ, giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đến giờ mà người dân phải đi xa, xếp hàng chờ nộp học phí cho con thì rõ ràng là quá bất tiện.

Thêm vào đó, theo Phó Thủ tướng, thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế.

Vì vậy, Phó Thủ tướng cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ đã hết sức quan tâm chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3, 4.

“Tại Việt Nam hiện nay, thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp; xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh mới”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Trong thời gian tới, để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong tại Nghị Quyết số 02/2019 của Chính phủ, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải làm nhiều việc. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát sinh. Qua đó làm cơ sở cho việc xây dựng, triển khai các quy trình nghiệp vụ, đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ. Cùng với đó là tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công.

Theo Phó Thủ tướng, ngành ngân hàng cũng phải đẩy mạnh cung ứng hạ tầng, dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại cho phép tích hợp và xử lý thanh toán cho các dịch vụ trong nền kinh tế. Các bộ, ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho phép quản lý theo hướng tập trung và có khả năng kết nối, tích hợp với hạ tầng thanh toán của ngành ngân hàng, tiến tới xóa bỏ việc dùng tiền mặt để thanh toán dịch vụ công.

Ngoài ra, cần khẩn trương hoàn tất xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về tài chính của người tiêu dùng trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính…/.

Minh Phương

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-huong-toi-nen-tai-chinh-toan-dien-525164.html