Thành tố không quân trong Bộ ba hạt nhân Nga

Những điểm mạnh và điểm yếu của của thành tố không quân trong Bộ ba hạt nhân Nga

Lại nhân sự kiện máy bay ném bom chiến lược Nga Tu-160 có mặt tại Venezuela và những tranh luận sôi nổi xung quanh chủ đề này, xin giới thiệu với bạn đọc một số thông tin về Không quân chiến lược Nga qua bài viết của chuyên gia Aleksandr Anatolievich Khramchikhin, Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga để tham khảo.

Chúng tôi có mở ngoặc một số chỗ để làm rõ hơn ý tác giả. Bài đăng trên tuần báo “Bình luận quân sự độc lập” (Nga) ngày 7/12/2018.

Ảnh: Pavel Sarychev/NG-Online

Không quân chiến lược, hay còn gọi là Không quân tầm xa theo thuật ngữ quân sự Nga, có những tính chất rất khác biệt. Nó tuy là một thành tố của Lực lượng hạt nhân chiến lược (còn có các cách gọi khác như Lực lượng kiềm chế hạt nhân; Bộ ba hạt nhân-ND), nhưng lại khác với Bộ đội Tên lửa chiến lược và các tàu tuần dương chiến lược trong thành phần Hải quân (tức hai thành tố cấu thành còn lại trong Bộ ba hạt nhân Nga) ở chỗ là Không quân tầm xa cũng có thể được sử dụng rất thành công và rất hiệu quả trong một cuộc chiến tranh thông thường.

Sở dĩ như vậy là vì các máy bay ném bom chiến lược có thể mang cả vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.

Thêm nữa, cả kiểu vũ khí thứ nhất (hạt nhân) lẫn kiểu vũ khí thứ hai (thông thường) đều có thể là hoặc là các vũ khí thuộc lớp chính xác cao, hoặc là lớp vũ khí thông thường (bom rơi tự do).

SO SÁNH ĐỐI THỦ CẠNH TRANH

Các máy bay ném bom chiến lược- đó là những hệ thống cực kỳ phức tạp và đắt tiền. Chính vì thế mà hiện nay chúng (các máy bay ném bom chiến lược) chỉ có trong trang bị của nhóm “Tam cường” trong số các nước mạnh nhất về quân sự.

Ngoài Bộ đội đường không- vũ trụ Nga (VKS), máy bay ném bom chiến lược chỉ có trong trang bị của Không quân Mỹ và Không quân Trung Quốc.

Thêm nữa, các máy bay ném bom H-6 của Bắc Kinh được chế tạo theo mẫu máy bay Xô Viết Tu-16 đã cực kỳ lạc hậu. Mặc dù các biến thể mới nhất của H-6 là các máy bay đã được hiện đại hóa sâu, nhưng dù sao cũng không thể xếp chúng vào “hàng ngũ” các máy bay thực sự hiện đại.

Còn các máy bay “chiến lược” mới Trung Quốc – chúng hiện mới đang trong giai đoạn khoa học- nghiên cứu – thiết kế- thử nghiệm .

Khi thực hiện các nhiệm vụ tác chiến ở cự ly bay tối đa (cự ly xuyên lục địa- vài nghìn km), các máy bay ném bom chiến lược chính vì cự ly bay lớn như vậy nên không thể có các máy bay tiêm kích hộ tống.

Thêm nữa, để chống lại các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại thì trong bất kỳ trường hợp nào các máy bay tiêm kích dù có bay hộ tống thì cũng không giúp gì được cho các máy bay ném bom chiến lược “cồng kềnh đó”.

Vào thời điểm hiện tại, chỉ có ba lối thoát ra khỏi tình huống này, và người Mỹ đã áp dụng cả ba. Máy bay ném bom chiến lược kích thước lớn bay chậm B-52 của Mỹ (chiếc trẻ nhất cũng sắp “mừng thọ” 60 tuổi) là phương tiện mang các tên lửa có cánh phóng từ trên không (máy bay) nên có thể phóng các tên lửa này mà không cần phải bay vào khu vực phòng không của đối phương (cách một-ND).

Máy bay B-1 Mỹ tích hợp cả khả năng tàng hình và khả năng bay thấp trong một thời gian dài (cách hai), còn máy bay B-2 trên thực tế là “tàng hình” (cách ba) đối với phần lớn các radar hiện đại nên có thể tiếp cận mục tiêu ở độ cao lớn, và cả hai máy bay này (B-1 và B-2) đều có chức năng mang các bom hàng không hoặc các tên lửa tầm gần đến sát khu vực có mục tiêu.

Phiên bản phát triển từ học thuyết chế tạo B-2 sẽ là máy bay ném bom chiến lược mới B-21 “Rider” của Mỹ. Mỹ đã có kế hoạch sản xuất đến 100 máy bay để thay thể toàn bộ cả 3 kiểu máy bay ném bom chiến lược hiện nay.

Thêm nữa, người Mỹ từ lâu đã sử dụng “máy bay chiến lược” trong các cuộc chiến tranh cục bộ và đã rút ra kết luận rằng tải trọng tác chiến lớn của những máy bay này cho phép sử dụng chúng như những đoàn tàu mang bom có thể ném xuống đầu bộ đội của đối phương hàng chục tấn bom chỉ trong một chuyến xuất kích tác chiến, có nghĩa là một máy bay ném bom chiến lược có thể thay thế đến 10 máy bay không quân chiến trường (chiến thuật).

Tuy nhiên, chỉ có thể thực hiện phương án này trong điều kiện đã chế áp được hoàn toàn hệ thống phòng không của đối phương (hoặc trong trường hợp đối phương không có hệ thống phòng không hoàn chỉnh).

Nga không có các máy bay tương tự máy bay “tàng hình” B-2 (của Mỹ). Kiểu máy bay Nga được coi là “đồng cấp” với B-52 – đó là máy bay Tu-95MS- một kiểu máy bay tốc độ thấp kích thuớc lớn mang từ 6 đến 16 tên lửa có cánh phóng từ trên không Kh-55 (cự ly phóng của tên lửa mang đầu đạn hạt nhân này đến 3.500km).

Một máy bay “chiến lược” khác của Nga- Tu-160, có vẻ bề ngoài tương đối giống B-1, cũng có khả năng tàng hình và có thể bay ở độ cao thấp. Thêm nữa, nếu như B-1 chỉ có tốc độ vượt (siêu) âm tối đa không lớn (chỉ 1,2M), thì Tu-160 có thể tăng tốc đến 2,1M.

Tu-160 có thể mang đến 12 quả tên lửa phóng từ trên không (máy bay) Kh-55 (vì thế nên còn được gọi là máy bay mang tên lửa chiến lược). Cả hai “máy bay chiến lược” Nga (Tu-95S và Tu-160) đều có thể sử dụng tên lửa có cánh phóng từ trên không thông thường Kh-555 và Kh-101, cũng như mang các bom thông thường (đến 40 tấn bom trên Tu-160 hoặc đến 21 tấn bom trên Tu-95MS).

Máy bay ném bom chiến lược B-1 Mỹ

Ngoài ra, trong trang bị của Không quân tầm xa Nga còn có máy bay siêu âm Tu-22M3,- đây có thể coi là kiểu máy bay ném bom tầm trung duy nhất trên thế giới hiện nay.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/thanh-to-khong-quan-trong-bo-ba-hat-nhan-nga-3370996/