Thành tích tỷ USD và nỗi lo suốt 1/3 thế kỷ

hiện nay, Việt Nam được xem là 'đất lành' cho dòng vốn FDI chất lượng cao

Phát biểu tại một diễn đàn mới đây, ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết: “Trong các nước JETRO đã khảo sát, số lượng cụm từ như thu nhỏ sản xuất, rút lui, thoái vốn gần như không xuất hiện ở Việt Nam, việc này cho thấy sức mạnh của Việt Nam”.

Theo kết quả khảo sát về xu hướng đầu tư kinh doanh 1-2 năm tới, hầu hết DN cho rằng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh là khó. Dù vậy, Việt Nam vẫn là một trong những đất nước nằm trong top đầu của ASEAN.

Kết quả thu hút FDI 4 tháng năm 2021 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cho thấy, dù covid-19 đang hoành hành trên thế giới, tổng vốn đăng ký vào Việt Nam vẫn đạt gần 8,5 tỷ USD (tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2020).

Điều đáng chú ý là, quy mô bình quân của các dự án cấp mới và các dự án điều chỉnh vốn đều tăng lên so với cùng kỳ năm 2020 (từ 6,9 triệu USD/dự án mới trong 4 tháng năm 2020 tăng lên 18,7 triệu USD/dự án mới trong 4 tháng năm 2021). Điều này phần nào giúp vơi đi lo ngại việc thu hút quá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ.

Bởi lẽ, báo cáo PCI được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện vài năm gần đây đã cảnh báo về dấu hiệu quy mô doanh nghiệp FDI giảm dần theo thời gian.

Tuy vậy, trong số các đối tác FDI vào Việt Nam, 5 đối tác FDI hàng đầu chủ yếu là các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, sự hiện diện của các nước phương Tây trong số các đối tác FDI hàng đầu vẫn còn khá thấp. Điều đó cho thấy, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện nhiều vấn đề để vượt lên các đối thủ cạnh tranh, hút được FDI từ các nước phương Tây.

Điều tra PCI-FDI của VCCI qua một số năm đã đưa ra câu hỏi đề nghị các doanh nghiệp FDI liệt kê cụ thể các quốc gia Châu Á khác nếu như đó là một phần trong chiến lược đa quốc gia của họ. Năm quốc gia được nhắc đến nhiều nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia. Đây chính là 5 đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, sau đại dịch Covid-19 nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Trong số các yếu tố đưa Việt Nam “ghi điểm” trong cuộc đua vào top đầu thế giới về thu hút vốn FDI, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về vấn đề ổn định chính trị – xã hội. Yếu tố này của Việt Nam liên tục được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao, với tỷ lệ trên 90%. Song, một số khía cạnh còn đáng quan ngại, đó là kiểm soát tham nhũng, hệ thống thủ tục, quy định, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công.

Chuyển đổi về chất

Là địa phương đang có cuộc chuyển mình về thu hút FDI, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh từng chia sẻ: “Nếu có cái lõi 10-20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào công nghiệp chế biến chế tạo thì khi Covid-19 xảy ra, nhà máy vẫn còn đó, câu chuyện tăng trưởng vẫn được duy trì”.

Việc phát triển dựa vào nguồn lực từ bên ngoài (FDI) là bước đi nhiều nước thực hiện để rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước. Nhiều tỉnh thành ở Việt Nam cũng đã thành công khi theo con đường này như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, rồi gần đây là Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Giang…Tuy nhiên, thu hút FDI phải gắn liền với quá trình học hỏi, hấp thụ công nghệ và dần dần trưởng thành, nâng cao năng lực công nghệ của DN trong nước.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói: khu vực FDI xuất hiện được 1/3 thế kỷ đủ cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh bay lên thành con rồng con hổ nhưng FDI chủ yếu gia công, sử dụng lao động giản đơn như dệt may, giày dép, 67% vật tư máy móc nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị gia tăng tạo ra chưa lớn, chưa cộng sinh với doanh nghiệp trong nước, sức lan tỏa về công nghệ, quản trị chưa cao.

Trong bài viết mới đây hai nhà kinh tế Nguyễn Quang Thái – Bùi Trinh chỉ ra điều được nói từ lâu đó là “hàm lượng của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của sản phẩm này rất thấp, hầu như chỉ là công lắp ráp, điện, nước và bao bì”.

“Những sản phẩm này được xuất khẩu thực chất là xuất khẩu hộ nước khác và nếu được tiêu dùng trong nước thực ra là sử dụng hàng nhập khẩu với hình thức và tên gọi khác mà thôi”, bài viết nêu rõ.

Kết quả tính toán qua mô hình được hai nhà kinh tế này đưa ra cho thấy lan tỏa từ sản phẩm cuối cùng của Việt Nam đến giá trị tăng thêm là rất thấp, chỉ bằng gần một nửa mức lan tỏa của cầu cuối cùng của Trung Quốc, Mỹ và EU (một đơn vị sản phẩm cuối cùng sử dụng cho nhu cầu trong nước lan tỏa đến giá trị tăng thêm của Việt Nam là 0,45 đơn vị, trong khi của Trung Quốc là 0,97, Mỹ là 0,94 và EU là 0,95).

Do đó, ông Vũ Tiến Lộc nói lại điều được các nhà kinh tế khuyến nghị từ chục năm nay là cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam, tham gia thúc đẩy để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng chứ không chỉ có doanh nghiệp FDI làm. Cần phải tạo môi trường cộng sinh giữa doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam trong thời gian tới.

Một kinh nghiệm Việt Nam có thể áp dụng, đó là yêu cầu các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam cần đạt được tỷ lệ nhất định việc sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp “nội”.

Tất nhiên, những cam kết khi hội nhập có thể sẽ khiến yêu cầu này gặp khó, nhưng không phải là không có cách giải quyết. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp FDI đạt được tỷ lệ về việc sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp nội, thì doanh nghiệp FDI đó sẽ nhận được những ưu đãi như giảm thuế, hoặc ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp FDI tìm kiếm những nhà cung cấp “nội”, và bản thân doanh nghiệp “nội” cũng nhìn thấy được thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp “nội” đầu tư trang thiết bị, máy móc, nghiên cứu phát triển tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thậm chí, nếu ưu đãi đủ lớn được áp dụng cũng sẽ kích thích doanh nghiệp FDI chủ động đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp “nội” nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của họ.

Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể tạo ra thị trường cho các sản phẩm của doanh nghiệp Việt cũng như doanh nghiệp FDI.

Ví dụ với ô tô, lâu nay mức thuế phí trên một chiếc ô tô chiếm tỷ lệ cao khiến cho giá cả đắt đỏ, người dân không thể tiếp cận được, số lượng xe sản xuất và bán ra hàng năm còn thấp. Điều này vô hình chung khiến cho các hãng ô tô “ngoại” không nâng được tỷ lệ nội địa hóa khi dung lượng thị trường không đủ lớn, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng vì thế mà không phát triển thêm được thị trường tiêu thụ. Việc hạ giá thành sản xuất ô tô, cũng sẽ góp phần đáng kể trong việc tạo thị trường cho các doanh nghiệp “nội”.

Đặc biệt, nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư nhân lực, hỗ trợ DN nghiên cứu phát triển, tạo cơ chế cho DN sáng tạo và chuyển đổi số… Như thế, tự thân các DN nội sẽ lớn lên trên một nền tảng vững thay vì “mạnh ai nấy làm” như lâu nay. Từ đó, các DN sẽ đủ năng lực tiếp cận, kết nối với khối FDI. Điều đó sẽ giúp cho việc thu hút FDI thay đổi về chất.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/thanh-tich-ty-usd-fdi-va-noi-lo-suot-13-the-ky-n-474652.html