Thành tích phải đúng chất lượng

Mấy ngày nay, Hiền-cô bạn thân của tôi mất ăn, mất ngủ, tự dằn vặt bản thân, đồng thời rất 'khâm phục' các phụ huynh khác, vì đã cố gắng dạy bảo con trai mà vẫn không thể giúp con có một cuốn học bạ toàn điểm 10 trong suốt 5 năm học tiểu học như rất nhiều học sinh khác.

Vậy là giấc mơ con trai trúng tuyển vào lớp 6 một trường có tiếng ở Thủ đô của Hiền khó thành hiện thực. Quả thật, tôi cũng không khỏi giật mình khi bạn tôi cho xem danh sách các thí sinh đủ điều kiện dự tuyển vào lớp 6 của trường này. Kết quả học tập của các em trong danh sách phần lớn đều đạt điểm toàn 10 trong suốt 5 năm học ở bậc tiểu học. Số em có một vài điểm 9 chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tuyển sinh đầu cấp, nhất là ở các thành phố lớn, câu chuyện về học bạ, điểm số, giấy khen, giải thưởng lại được nhắc tới nhiều. Để trúng tuyển vào ngôi trường đúng sự kỳ vọng của cha mẹ, không ít học sinh phải gánh trên vai biết bao áp lực. Nhiều gia đình cho con học chữ, học toán, học tiếng Anh... từ rất sớm. Rồi trong suốt những năm học tiểu học, các em phải học thêm, “săn” các giấy khen, giải thưởng. Có em sức học không theo được thì đã có những ông bố, bà mẹ tìm cách “làm đẹp” học bạ cho con. Những quyển học bạ "hoàn hảo" ấy là kết quả của căn bệnh thành tích-căn bệnh mà một số nhà trường, thầy cô giáo lẫn các bậc phụ huynh đang mắc phải.

Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao cho các địa phương tổ chức. Để phòng ngừa gian lận thi cử, bên cạnh việc tăng cường các giải pháp kỹ thuật, chú trọng khâu thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập ở bậc THPT của thí sinh. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đây sẽ là bước quan trọng phản ánh chất lượng dạy học của từng địa phương; đồng thời cũng sẽ giúp phát hiện ra những nơi có điểm bất thường để kiểm tra đánh giá. Động thái này của Bộ GD&ĐT có thể sẽ tăng áp lực cho các địa phương, tuy nhiên đây được xem là giải pháp tốt để cảnh báo các nhà trường phải đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh, tránh hiện tượng nâng điểm học bạ hay gian lận trong học tập.

Ở mỗi kỳ tuyển sinh, từ tuyển sinh đầu cấp bậc phổ thông đến tuyển sinh đại học, cao đẳng thì mục tiêu cuối cùng là lựa chọn được những học sinh, sinh viên có năng lực phù hợp với yêu cầu của nhà trường, yêu cầu của chương trình đào tạo. Học bạ toàn điểm 10 hay giấy khen, giải thưởng từ các cuộc thi không phải là giấy thông hành để các em có thể dễ dàng bước vào những cơ sở giáo dục đúng như sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh. Thay vì điểm số, thành tích, các bậc phụ huynh hãy hướng con em mình học ở ngôi trường mà ở đó học sinh được phát huy hết năng lực bản thân, giúp ích cho gia đình, cho xã hội và quan trọng hơn cả là các em được cảm nhận những giá trị của hạnh phúc.

UYÊN NHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/thanh-tich-phai-dung-chat-luong-631184