'Thành tích hay sai phạm đều từ đất mà ra'

'Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải kiểm soát từng mét vuông đất. Thành tích hay sai phạm hiện nay cũng đều từ đất mà ra.' là phát ngôn ấn tượng được BizLIVE ghi nhận tuần qua.

Ảnh minh họa.

Mỗi lít xăng “cõng” hơn 56% thuế, phí?

Hiện cơ cấu giá xăng được cộng 8 khoản, gồm: giá CIF tính thuế, thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường (4.000 đồng), chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng RON95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5), lợi nhuận định mức (300 đồng) và trích quỹ bình ổn (300 đồng).

TS Nguyễn Minh Phong, nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, 1 lít xăng đang “cõng” quá nhiều loại thuế, phí và đề xuất tiết giảm các loại thuế này sẽ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

“Vấn đề lớn nhất đối với thị trường xăng dầu của VN hiện nay là chưa có sự cạnh tranh. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, cần tăng tự do nhập khẩu, tự do bán lẻ để tạo sự cạnh tranh. Khi đó thị trường có thể quyết định giá, không cần lo ngại giá xăng tăng, thay đổi liên tục do độc quyền” - ông Phong lưu ý và đề xuất trong bối cảnh chưa có cạnh tranh, nhà nước cần phát huy tối đa vai trò “cầm trịch” trong việc điều hành giá xăng dầu thông qua việc kiểm soát, yêu cầu giải trình, cân nhắc kỹ trước mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng. (Xem tiếp)

“Thành tích hay sai phạm đều từ đất mà ra”

Hôm 18/4, tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) về việc thực hiện sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp, thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý VRG đa dạng hóa các sản phẩm từ cao su, đặc biệt là gỗ cao su, để tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp chế biến gỗ, tạo ra nguồn thu mới và bền vững từ xuất khẩu đồ gỗ.

“Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải kiểm soát từng mét vuông đất. Thành tích hay sai phạm hiện nay cũng đều từ đất mà ra. Phải rà soát lại toàn bộ quá trình quản lý đất đai, từ chủ trương, chính sách, tới thẩm quyền, trách nhiệm của từng cá nhân, tình hình tranh chấp đất đai ở các nông, lâm trường, các phương án sử dụng, chuyển nhượng đất sau khi cơ cấu lại doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. (Xem tiếp)

Lên sàn ngoại, ngân hàng nội được gì?

Mục tiêu “đến năm 2025, sẽ có 3 - 5 ngân hàng Việt niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nước ngoài” lại được nhắc tới trong thời gian gần đây. Mục tiêu này đã được nhấn mạnh tại Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã được thông qua vào tháng 8 năm ngoái.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định là “rất khó”. Lý do, theo ông Hiếu, là hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam còn ở mức thấp.

“Mặc dù Standard & Poor’s vừa nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức BB- lên BB, nhưng với mức này thì Việt Nam vẫn thuộc nhóm không khuyến khích đầu tư, mà chỉ là đầu cơ. Trong vòng 3 năm tới, có lẽ chúng ta sẽ vẫn ở vùng đó và phải nâng thêm một nấc nữa mới qua được vùng không khuyến khích đầu tư. Vì vậy, tôi không lạc quan lắm trong vòng 3 năm tới, nhưng 5 năm thì khả năng sẽ tốt hơn”, ông Hiếu nói. (Xem tiếp)

Chuyên gia Phạm Chi Lan bộc bạch những nỗi lo với bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam

Trong quý I, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động đã tăng lên. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết 14.761 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý, tăng 20,8% so với cùng kỳ 2018. Bên cạnh đó, 15.331 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.

"Phần lớn những doanh nghiệp này rơi vào nhóm quy mô nhỏ và vừa. Nghĩa là DNNVV vẫn khó khăn về nhiều mặt. Số lượng giải thể nhiều hơn nên việc họ có tăng nhu cầu tín dụng là khó. Họ đang lo giải quyết các tồn tại để đóng cửa doanh nghiệp", bà Chi Lan nhận định.

Thứ hai, theo bà Lan, trong bối cảnh cả nền kinh tế đang muốn "bật lên" và nỗi lo lắng thường trực về hai mặt lợi – hại của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, DNNVV – đối tượng dễ bị thua thiệt nhất lẽ ra phải tận dụng tối đa cơ hội. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có vẻ vẫn đang thể hiện "thông lệ thư thả" dịp đầu năm và tăng tốc ở các quý sau khiến bà Lan tỏ ra lo lắng. (Xem tiếp)

“Bãi đỗ xe tại Công viên Cầu Giấy mới chỉ thông qua chủ trương”

“Để thành công, doanh nghiệp không thể đi một mình”

“54% doanh nghiệp phải chi trả phí bôi trơn là con số rất cao”

TUẤN VIỆT

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/thanh-tich-hay-sai-pham-deu-tu-dat-ma-ra-3503310.html