Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng

Đó là thông tin từ Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020. Hội nghị được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 25-12 tại Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo hội nghị.

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bình Minh

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bình Minh

Theo thông tin Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018), bình quân các huyện nghèo giảm còn dưới 29% (giảm gần 5% so với năm 2018). Đến nay có 52/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 125 xã hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, 14/30 huyện huyện thực hiện nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Nhận thức về giảm nghèo có sự thay đổi, chuyển biến tích cực, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương cá nhân làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, nhiều địa phương xin thoát nghèo, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, kết quả trên có phần đóng góp quan trọng của việc thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý… thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020.

Được biết, trong năm 2020, để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ giảm nghèo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo bền vững đến năm 2020; các chính sách giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện để người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là tại các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản. Tổ chức tổng điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”....

Năm 2019, dù còn những khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta đã có bước phát triển, chuyển biến mạnh mẽ, hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu. Trong kết quả chung đó có sự đóng góp của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội. Theo đó, Bộ đã hoàn thành 100% các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ. Hoàn thành 3 chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: Bình Minh

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự lãnh đạo chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của tập thể lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tiếp theo theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.

“Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và ngành cần đầu tư trí lực, tìm tòi để nghiên cứu xây dựng chiến lược dài hạn phát triển ngành đồng đều, hài hòa giữa bảo đảm an sinh xã hội nói riêng, chính sách xã hội nói chung với thúc đẩy đổi mới công tác quản lý nhà nước và phát triển thị trường lao động ngày một đa dạng, năng động, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập, tiệm cận với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Đây là vấn đề dài hạn và đòi hỏi phải có tầm nhìn, tư duy chiến lược lớn nên tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng, tập thể lãnh đạo Bộ quan tâm”- Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Bình Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thanh-tich-giam-ngheo-cua-viet-nam-tiep-tuc-la-mot-diem-sang/