Thánh thần cũng sợ

Thu tiền - giải vong, buôn bán thánh thần trơ tráo thế nhưng vẫn có bao người mê muội tin theo và răm rắp quyên tiền tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh).

Vụ việc do Báo Lao Động đăng tải gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Bản chất của câu chuyện đang được các cơ quan chức năng điều tra nhưng những kiểu mê tín tương tự thế này không mới mà đã âm thầm diễn ra nhiều nơi, hằng ngày móc túi tiền tỉ của những người cả tin.

Có lẽ ít có lúc nào các nơi thờ cúng được xây dựng ồ ạt và đồ sộ như hiện nay. Trong mạch chảy tôn giáo, văn hóa âm thầm nhưng mạnh mẽ của đời sống, những cơ sở tôn giáo giữ vai trò cốt yếu. Nhưng tôn giáo cũng nhiễm đủ bụi trần, lòng thiện cũng bị mai một và biến tướng, thậm chí bị lợi dụng để phục vụ lợi ích đường trần. Có người cầu bình an cho tha nhân nhưng cũng có người mong được phát tài trên nỗi đau của đồng loại.

Thánh thần nào chịu đựng nổi lòng tham của con người: Yên ấm rồi thì cầu giàu có, đủ của ăn của để lại cầu ngày càng phát đạt. Làm ăn đàng hoàng nương nhờ ơn trên đã đành, làm việc bất lương cũng mong giải hạn, còn cầu phát tài. Như thế có khác nào xin ơn trên giúp đỡ cho ngày càng lừa được nhiều người, cướp được nhiều miếng ăn của kẻ khác. Ác giả ác báo, ai có thể giải được nên đừng đền bù viển vông vào quá khứ mà cũng chẳng thể lừa mình khỏa lấp ở tương lai.

Nhiều người chấp nhận dùng tiền để mua lòng tin thì ắt có kẻ sẵn sàng bán lòng tin, thậm chí cả ác thần cũng bị mang ra mặc cả. Những lời dọa dẫm theo kiểu cúng sao nhiều tiền để giải hạn, hiến nhiều tài sản để tránh họa... đủ minh chứng cho sự bất chấp của người bán và sự mê muội của người mua. Nhiều người đổ tiền vào các cơ sở mê tín để chứng tỏ lòng thành nhưng lại quên mất kẻ hành khất đói khát trước cửa nhà mình. Bỏ tiền tỉ xây chùa to nhưng không cho nổi bát cháo những người cơ nhỡ nơi bệnh viện.

Trong nghiên cứu văn hóa phương Tây có câu chuyện về hòn đảo Phục Sinh (Thái Bình Dương). Hòn đảo này có nền văn minh rất phát triển nhưng vào thời cận đại đã lụi tàn, chỉ còn vài ngàn người sống trong đói khát và môi trường bị cạn kiệt. Điều bí ẩn là trên đảo có rất nhiều tượng thần bằng đá khổng lồ bị kéo ngã, vùi lấp. Một lý thuyết được các nhà khoa học mô phỏng và chấp nhận: Hòn đảo vốn trù phú, cư dân phát triển nhanh chóng. Họ đã tàn phá thiên nhiên không thương tiếc và đến khi cạn kiệt nguồn sống, rừng bị chặt trụi, họ không còn cách thoát ra ngoài. Những cư dân hoảng hốt tạc hàng trăm tượng thần bằng đá khổng lồ để thờ phụng, khẩn cầu sự giúp đỡ. Đến lúc vô vọng họ tức giận kéo đổ các bức tượng và nguyền rủa chờ diệt vong.

Thần linh nào có thể cứu được những lầm lỗi của con người?

Phạm Hồ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thanh-than-cung-so-2019032123161378.htm