Thanh tao nhịp xưa, phách cũ

Sân khấu ca trù đã xuất hiện nhiều tiết mục đặc sắc, ca nương trẻ tuổi, triển vọng, nhiều kép đàn xuất sắc. Tiếng hát trong veo, nỉ non của các đào nương, sự tinh tế, nhấn nhá của các kép đàn đã để lại một liên hoan đầy tính nghệ thuật dân tộc kết hợp với tính bác học có sức lay động sâu sắc.

Tang bồng cùng nhịp xưa, phách cũ

Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 diễn ra tại TP Hà Tĩnh từ ngày 1 đến 5-11 là nơi hội ngộ của các nghệ nhân, ca nương kỳ cựu và các hình thức diễn xướng, như: Hát cửa đình (hát thờ), hát cửa quyền (hát cung đình hay hát chúc hỗ), hát tại gia (hát nhà tơ), hát thi và hát ca quán (hát chơi)...

Ca trù xuất hiện với tần suất khá dày ở không gian cửa đình. Đây là không gian diễn xướng gần gũi với đời sống nhân dân của nghệ thuật ca trù. Tại liên hoan, Đoàn nghệ thuật ca trù Đình Làng Việt đã mang đến một không gian “hát cửa đình” đậm chất ca trù, mang phong vị những nét đẹp xưa cũ của văn hóa đình làng Việt Nam. Hát cửa đình vừa phục vụ lễ tết, vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và giải trí của người dân. Đoàn nghệ thuật đến từ thành phố cảng dưới sự dẫn dắt của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đã mang trình dư vị hát cửa đình “đúng điệu” ngân lên trong không gian mái đình làng Việt sau nửa thế kỷ vắng bóng.

Ca nương Nguyễn Thị Thu Hà (Hà Tĩnh) với tiết mục ca trù “Tỳ bà hành”.

Nhà nghiên cứu Phan Thư Hiền, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 cho biết: “Cái độc đáo của liên hoan kỳ này chính là sự có mặt của rất nhiều tiết mục hát cửa đình (hát thờ). Ngoài những thể cách khó, như: Tỳ bà hành, thét nhạc, bỏ bộ… các tiết mục giáo hương, giáo trống, dâng hương của các đoàn nghệ thuật cũng khiến liên hoan thêm phần phong phú”.

Tham gia liên hoan có 13 đoàn, mỗi đoàn có màu sắc riêng nhưng tựu trung đều muốn lưu giữ hồn cốt của nghệ thuật ca trù, phục dựng những làn điệu cổ. Tại liên hoan lần này, nội dung chương trình bắt buộc, mỗi đoàn xây dựng một chương trình tham gia với tổng thời lượng quy định trong đó phải trình bày tối thiểu 3/15 thể cách và một tác phẩm của Nguyễn Công Trứ.

"Tự hào thay người được sinh ra trong trời đất/Đã có công danh với núi sông/Một ngày trả nợ tang bồng/Bốn biển là nhà, ngất ngưởng vui”… Đó là những câu trong bài “Dâng cụ Nguyễn Công Trứ” của Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Xuân Đỉnh (Hà Nội) thể hiện sự kính vọng, tưởng nhớ cụ Nguyễn Công Trứ. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, CLB Ca trù Xuân Đỉnh, người viết lời cho bài hát chia sẻ: “Sinh thời, cụ Nguyễn Công Trứ là người say mê ca trù, say tiếng hát đào ứ hự, lại say tiếng phách lạc nhạn. Được tham dự liên hoan ca trù toàn quốc trên quê hương Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, một danh nhân, chí sĩ nổi tiếng nên đoàn muốn mang những lời thơ, nhịp phách viết về cụ, như tấm lòng ngưỡng vọng, thành kính”.

Sự truyền thụ và tiếp nối

Góp mặt trong liên hoan ca trù năm nay là những gương mặt ca nương trẻ, từ 9 đến 22 tuổi. Ca nương ít tuổi nhất là An Nguyễn Thủy Tiên đến từ Đoàn ca trù tỉnh Hải Dương. Vừa mới tiếp xúc với ca trù được gần 4 tháng, nhưng với tố chất bẩm sinh, niềm yêu thích tựa bản năng, Thủy Tiên đã tiếp nhận ca trù một cách tự nhiên, thuần thục. Trên sân khấu, ca nương Thủy Tiên nhỏ nhắn, khoác chiếc áo lụa nhung ngồi giữa chiếu hồng thể hiện thể cách mưỡu- hát nói, một thể cách khó trong tiêu chí tuyển chọn ca nương tài năng. Với chất giọng cao vút, luyến láy, đổ hột điêu luyện Thủy Tiên đưa người nghe trở về với không gian thâm trầm, yên bình một thời xa vắng.

Nghệ thuật ca trù là loại hình âm nhạc bác học, không sôi nổi, reo vui như gió thổi, sóng dồn mà khoan thai, chậm rãi như giọt nước tinh khiết rỉ ra từ mạch nước ngầm. Một ca nương hát hay đòi hỏi phải có chất giọng cao, trong sáng, biết ém hơi, nhả chữ, luyến láy, đổ hột, đổ con kiến và đặc biệt phải rành 5 khổ phách cơ bản. Tiếng phách đánh ra phải chắc giòn, ăn khớp với lời ca. Vì thế, không phải ai cũng hát được ca trù và có hứng thú hát một bài ca trù. Do đó, đa phần các “ca nương nhí” đến với ca trù ngoài năng khiếu, phần lớn vì niềm yêu thích đam mê, bởi môn nghệ thuật này không có đam mê thì sẽ khó có thể gắn bó lâu dài.

Trong những gương mặt trẻ, ca nương Nguyễn Thị Thu Hà (16 tuổi, Đoàn ca trù Hà Tĩnh) nổi lên với tiết mục “Tỳ bà hành” giọng ca trong sáng, truyền cảm, hát câu chữ rõ ràng, tiếng phách hay, điêu luyện. "Tỳ bà hành" là một thể cách khó, nhưng Thu Hà đã thể hiện khá tròn trịa và giành được giải A. Từ hình thức bên ngoài, Thu Hà hút người đối diện bởi đôi mày lá liễu dịu dàng, khi ngồi vào chiếu hát tự khắc hợp vai cô đào đến lạ.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoài, Ủy viên Hội đồng thẩm định Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018: “Liên hoan năm nay mang đến những tiết mục chất lượng, đặc biệt đào tạo một số em bé, có em 16 tuổi, em 14 tuổi, em 12 tuổi, có em mới 9 tuổi. Chứng tỏ rằng các địa phương rất yêu mến và muốn truyền lại cho thế hệ sau, cho con cháu loại hình nghệ thuật dân tộc. Qua đây cũng thấy rằng, nghệ thuật ca trù tại các địa phương đã có sự truyền thụ và tiếp nối giữa các thế hệ”.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/thanh-tao-nhip-xua-phach-cu-553908