Thanh tao gửi bát hoa này

'Chuyến tàu' Tết đang chuẩn bị vào ga cuối, phố phường nhộn nhịp người và xe hối hả theo những cơn gió xuân đang về. Nhiều năm qua, người Hà Nội vẫn gìn giữ một thú chơi hết sức tao nhã trong những ngày Tết là mua và gọt củ thủy tiên. Trong đêm giao thừa, khi cả gia đình quây quần bông hoa thủy tiên hé nụ 'hàm tiếu' thì đó là năm vô cùng may mắn, an lành.

Trăm năm giữ nét thanh lịch

Lối chơi hoa thủy tiên có từ bao giờ đến nay chưa có một tài liệu nào chứng thực. Chỉ biết rằng với người Hà Nội, đây là thú chơi đã được hình thành từ rất lâu. Từ những năm đầu thế kỷ 20, hoa thủy tiên luôn có mặt trong gia đình người Hà Nội vào những ngày Tết.

Trong tác phẩm “Ăn Tết thủy tiên”, nhà văn Vũ Bằng đã dựng lên hình ảnh thú chơi hoa thủy tiên như một phần tất yếu của Tết: “Tôi vẫn không thể quên được những ngày gần Tết, hồi tôi còn nhỏ, không năm nào mẹ tôi không mua ở Hàng Buồm về mấy sọt thủy tiên. Thày tôi mê gọt lắm, mất cả ăn cả ngủ vì thủy tiên, sinh ra ốm ra đau vì thủy tiên. Ðã bao nhiêu lần, mẹ tôi dọa sang năm không mua thủy tiên nữa để cho thày tôi mất gọt; nhưng nói thế thôi, chớ cứ từ đầu tháng chạp trở đi thì cụ đã đi chọn mua thủy tiên rồi...”.

Ông Nguyễn Phú Cường là một trong những người đầu tiên mang thú chơi thủy tiên trở lại.

Ông Nguyễn Phú Cường là một trong những người đầu tiên mang thú chơi thủy tiên trở lại.

Với người Hà Nội xưa, thủy tiên là loài hoa mang vẻ đẹp quý phái, là biểu tượng của sự may mắn và trường thọ. Ngày Tết, hương hoa quyện với mùi hương trầm, mùi cam Canh, bưởi Diễn, mùi phật thủ đã tạo nên không gian ấm áp, báo hiệu mùa xuân chính thức đã về. Theo truyền miệng của các cụ, vào đúng đêm giao thừa bát hoa của vị chủ nhân nào có một “nụ nở hàm tiếu” (nở hé ra) thì được cho là mọi sự tốt lành nhiều tài nhiều lộc sẽ đến với gia đình người đó trong năm tới.

Sống lại với ký ức tuổi thơ của một người Hà Nội gốc, ông Nguyễn Phú Cường (hơn 70 tuổi, ở Trung Hòa, Hà Nội) cho biết: Hoa thủy tiên gắn với hình ảnh những gia đình trí thức, những văn nghệ sĩ ưa thích sự tỉ mỉ, cầu kì.

Đối với ông Cường, hoa thủy tiên còn gắn với hình ảnh ông bà ngoại sống ở phố Sinh Từ, nơi có giếng khơi nước trong vắt, có bể nước mưa lúc nào cũng đầy ăm ắp. Trước Tết, ông Cường đều thấy ông ngoại tỉ mỉ gọt cắt củ thủy tiên, trước là có một bát thủy tiên thật đẹp để thờ cúng, sau để mọi người cùng thưởng thức vẻ đẹp của hoa.

“Thủy tiên là loài hoa đặc biệt, mỗi năm chỉ cho hoa một lần vào dịp tháng Chạp âm lịch và kéo dài đến khoảng rằm tháng Giêng. Cánh hoa trắng muốt, nhị hoa vàng, hương thơm nhè nhẹ, chỉ cần nước sạch tinh khiết để sống. Chính vì đặc tính này của hoa mà khiến người Hà Nội mê mẩn. Những bát hoa gọt đẹp được xem như là “đĩa bạc, chén vàng”, có cho vạn tiền cũng chẳng mua được sự kì công, tâm huyết của người gọt đặt vào trong từng bát hoa này”, ông Cường thủ thỉ.

Thú chơi lắm công phu

Từng là thú chơi không thể thiếu, ấy thế mà, đến khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước, do điều kiện kinh tế, người dân Hà Nội đã không “màng” đến gọt thủy tiên dẫn đến thú chơi thanh nhã này mai một và phải hơn 30 năm sau mới xuất hiện trở lại.

Một bình hoa thủy tiên đẹp là lá dưới, hoa trên, móng rồng trắng ôm trọn thân hoa

Là một trong những người đầu tiên mang thú chơi thủy tiên trở lại, ông Nguyễn Phú Cường tâm sự: “Năm1996, một lần dạo phố Tết tôi thấy thủy tiên xấu xí, nằm lăn lóc giữa các loài hoa rực rỡ. Kỷ niệm ngày xưa ùa về, tôi nghĩ trong đầu làm sao để khôi phục được thú chơi hoa thanh tao của người Hà Nội xưa. Tôi liền mua vài củ thủy tiên về gọt, mày mò. Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn do trong khoảng 30 năm người chơi thủy tiên ở Hà Nội không có mấy, bí quyết của các cụ xưa cũng đã bị thất truyền”.

May mắn đến với ông Cường, trong một lần tìm mua củ thủy tiên, ông gặp một Việt kiều người gốc Hà Nội vốn rất yêu thích loài hoa này. Ông Cường cùng con gái tìm đến khách sạn ở Hàng Đào, được vị khách nọ kể nhiều câu chuyện về loài hoa này. Sau khi thấy con gái ông Cường gọt đẹp, người Việt kiều này đã tặng bố con ông hai con dao bằng thép trắng và truyền lại một số kỹ thuật gọt hoa cơ bản.

Với người Hà Nội xưa, thủy tiên là loài hoa mang vẻ đẹp quý phái, là biểu tượng của sự may mắn và trường thọ. Ngày Tết, hương hoa quyện với mùi hương trầm, mùi cam Canh, bưởi Diễn, mùi phật thủ đã tạo nên không gian ấm áp, báo hiệu mùa xuân chính thức đã về.

Theo truyền miệng của các cụ, vào đúng đêm giao thừa bát hoa của vị chủ nhân nào có một “nụ nở hàm tiếu” (nở hé ra) thì được cho là mọi sự tốt lành nhiều tài nhiều lộc sẽ đến với gia đình người đó trong năm tới.

Từ đó đến nay, ông Cường trở thành một trong những người “sành” chơi hoa thủy tiên của Hà Nội. Tết hằng năm, ông Cường đều tất bật chuẩn bị khoảng 20 bát hoa tinh tế mà giản dị để tặng người thân, bạn bè.

Năm nào cũng vậy, cách tết Nguyên đán chừng hai tháng, ông lại đi tìm mua củ thủy tiên. Theo kinh nghiệm của ông Cường, củ giống phải đủ ba năm tuổi mới đủ già để cho ra hoa, lá và rễ đẹp.

Củ thủy tiên được chọn phải là củ có lớp vỏ mỏng bọc ngoài màu cánh gián sẫm, xốp và cân đối. Trước khi bóc, người chơi hoa phải biết đâu là mặt trước, đâu là mặt sau của củ hoa để có được ý đồ tạo dáng.

Ông Cường nhấn mạnh, việc bóc các lớp áo của củ hoa là việc hết sức quan trọng, quyết định sự đẹp xấu của một bát hoa. Sau khi gọt xong, củ gọt được đặt trong một cốc thủy tinh trong suốt. Nước để nuôi hoa tốt nhất là nước mưa hoặc nước giếng trong.

Sau 20 đến 25 ngày chăm, dưỡng kỳ công, người chơi sẽ thấy được kết quả của mình. Theo những người sành hoa, một bát thủy tiên đẹp phải hội tụ đủ 5 yếu tố mà người chơi hoa gọi là ngũ phúc: Rễ trắng dài giống như hàm én, bẹ trắng ôm hoa giống như những móng rồng, lá màu xanh ngọc, hoa phải 3 tầng tượng trưng cho 3 nhân tố thiên - địa - nhân và phải thơm.

“Chơi hoa thủy tiên cũng phải có cơ duyên. Khi chơi hoa đã ở độ chín, nhìn vào bát hoa, người ta có thể cảm nhận ngay được tâm hồn của người gọt hoa. Do vậy nói rằng nhìn cách gọt hoa có thể phản ánh được tính cách của người gọt cũng đúng. Say hoa rồi mới thấy, hoa thủy tiên như một chất kích thích của sự đam mê, ai đã trót đem lòng yêu thì không thể bỏ được, mọi sự kì công bỏ ra đều là xứng đáng. Chẳng thế mà nhà văn Vũ Bằng đã từng viết rằng đàn ông mà chơi cái giống thủy tiên này giảm thọ đi mất đến mười năm; mà đàn bà gọt thủy tiên thì mất một lứa đẻ”, ông Cường hóm hỉnh.

Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thanh-tao-gui-bat-hoa-nay-102376.html